Thứ Hai, 28/10/2024 11:17 SA
Đào tạo thế hệ trẻ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội
Thứ Ba, 01/09/2009 07:30 SA

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm bồi dưỡng các thế hệ cách mạng để kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

 

hoc1.090901.jpg

Sinh viên tình nguyện “Mùa hè xanh” dạy học cho trẻ vùng cao Phú Yên. - Ảnh: V.TÀI

Trước lúc từ biệt thế giới này, Người để lại cho Đảng và nhân dân ta một bản Di chúc, căn dặn Đảng ta nhiều việc để tiếp tục lãnh đạo nhân dân hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước, hàn gắn các vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Một việc “rất quan trọng và rất cần thiết” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đối với thanh niên Bác yêu cầu: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

 

Trong 40 năm thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp; giải quyết việc làm, phát triển tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta luôn coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng và rèn luyện đạo đức cho thanh niên với những nội dung cụ thể trong từng giai đoạn cách mạng. Trong giai đoạn mới của cách mạng hiện nay, việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên là giáo dục và tổ chức thanh niên thành những lực lượng xung kích trong công cuộc đổi mới. Giáo dục nâng cao nhận thức gắn liền với hoạt động thực tiễn của tuổi trẻ phải thông qua các phong trào xã hội mới, củng cố và nâng cao niềm tin vào thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xây dựng xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh. Thông qua quá trình học tập và hoạt động thực tiễn để thế hệ trẻ góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hơn nữa tự tin vươn lên làm chủ nước nhà, tự bồi dưỡng cho mình bản lĩnh và niềm tin vào con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cản trở và phủ nhận con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sinh thời, Bác Hồ dành nhiều tâm huyết và thời gian giáo dục, huấn luyện thanh niên, tổ chức đưa thanh niên vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân.

 

Theo tư tưởng của Bác thì giáo dục lý tưởng và bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ chính là tạo lập nền tảng vững chắc cho thanh niên làm chủ tương lai của nước nhà, đưa thanh niên vào cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập của toàn dân do Đảng lãnh đạo.

 

Thực hiện di huấn của Bác với thế hệ trẻ, các cấp bộ đảng và Đoàn thanh niên, các tổ chức hội, đoàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, hệ thống giáo dục, đào tạo trong 40 năm qua đã thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng về thanh niên, chăm lo giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức cho thanh niên và tổ chức, huấn luyện cho thanh niên, đưa thanh niên tham gia vào các hoạt động xã hội. Tiếp theo phong trào Ba sẵn sàng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong thời kỳ mới của cách mạng là các phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Mùa hè xanh”, “Đền ơn đáp nghĩa”… và mới đây là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có tác dụng, ý nghĩa to lớn đối với công việc bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Bằng những hoạt động thực tế của thanh niên, các cấp bộ đảng đã lựa chọn được nhiều thanh niên đủ phẩm chất và năng lực để kết nạp vào Đảng, tiếp tục bồi dưỡng đào tạo để gánh vác công việc trong hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các phong trào của thanh niên còn góp phần nâng cao tính tích cực cho thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động cộng đồng, làm các việc khó khăn, đến với đồng bào vùng cách mạng và dân tộc thiểu số, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kiến thức mới vào đời sống nhân dân, tạo môi trường cho thanh niên học tập nhân dân, giúp đỡ người nghèo và đền ơn người có công với cách mạng, góp phần giáo dục lòng yêu nước, thương yêu đồng bào, đẩy lùi các thói hư tật xấu trong xã hội và trong một bộ phận lớp trẻ có quan niệm, lối sống tiêu cực.

 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn quan tâm dạy bảo, đào tạo các thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng. Đối với thanh niên, Người yêu quý và chăm lo bồi dưỡng một cách toàn diện. Theo quan điểm của Bác Hồ, để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đời sống mới, thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đồng bào ta “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, nghĩa là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội còn khó khăn, lâu dài hơn so với kháng chiến chống xâm lược. Với suy nghĩ và tầm nhìn như thế, Bác Hồ đã nhìn thấy đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta chính là các thế hệ thanh niên. Đây cũng chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò Đảng ta phải ra sức chăm lo đến thanh niên, chọn lựa những thanh niên ưu tú để đào tạo nghề và kiến thức khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng tư tưởng, lập trường cách mạng cho họ.

 

Làm theo căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trẻ một cách toàn diện. Trong tiến trình đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới giáo dục và đào tạo, từng bước phát triển nền giáo dục phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới. Trong quá trình phát triển nguồn nhân lực trẻ phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, những chỉ dẫn của Bác về “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân” như học đi đôi với lao động, lý luận đi đôi với thực hành, cần cù đi đôi với tiết kiệm nhằm “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” mà cái đích, hiệu quả của đào tạo các thế hệ trẻ là tạo ra được nguồn nhân lực có tri thức, có kỹ năng lao động, làm việc trong thời đại khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa.

 

Hiện nay nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tích cực hội nhập. Tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức thanh niên, hội học sinh, sinh viên, ngành giáo dục, mỗi gia đình cần phối hợp, cộng tác thật sự chăm lo và “thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống, tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, khuyến khích thanh niên tự học, tự nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm, tạo cơ hội cho thanh niên có tài năng đi học ở nước ngoài về phục vụ Tổ quốc” như nghị quyết Đại hội X của Đảng đề ra. Cán bộ, đảng viên, lớp cha mẹ, người cao tuổi cần thật sự nêu gương cho thế hệ trẻ trong mọi việc; gương mẫu giữa nói và làm, gương mẫu trong tư cách đạo đức công dân và trách nhiệm đối với xã hội, đối với công việc chung, trách nhiệm với gia đình.

 

Làm tốt những việc trên là cách thiết thực giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek