Trong danh sách đề nghị cấp học bổng “Giúp bạn vượt khó” có tên Trần Thị Ghi (sinh năm 1984), hiện là sinh viên lớp Cao đẳng May và Thiết kế thời trang Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Công nghiệp 2 TP. HCM (đào tạo tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Phú Yên). Lý lịch trích ngang của Ghi khá ngắn ngủi: Bản thân bị khuyết tật, nhà đông anh em.
Giáo viên Đặng Phước Thịnh đang hướng dẫn Ghi may mẫu – Ảnh: H.Trung
Theo lời mẹ Ghi, ngay từ lúc lọt lòng, gia đình đã sớm phát hiện thân thể của Ghi không bình thường như những đứa trẻ khác. Gia đình cố giấu, nhưng khối u sau lưng cứ lớn dần theo năm tháng và bị Ghi phát hiện khi vào lớp 1. Kể từ đó, Ghi bắt đầu có những trăn trở về số phận, cuộc đời mình. Ghi ý thức rằng không có gì tốt hơn cho mình bằng một nghề nghiệp chắc tay, vậy là cô đăng ký học lớp May và Thiết kế thời trang. Ngày mai nhập học, hôm nay Ghi mới nói ra. Cả nhà không bằng lòng. Mẹ và ba đứa em lo cho quãng đường từ Lạc Điền, Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) về TP Tuy Hòa trọ học, tự lập Ghi sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng rồi, mọi người phải “chiều” Ghi.
Ở một môi trường lạ, không có sự chăm sóc quen thuộc của người thân, với Ghi đó là thử thách lớn phải vượt qua. Nhưng điều buồn tủi lớn nhất của Ghi là sự bắt nạt, châm chọc của các học viên khác với người bạn tật nguyền. Một “rào cản” lớn khác trong hành trình học tập của Ghi là “bài toán” kinh phí mua phụ liệu, vải, giấy vẽ, bút màu… mỗi tháng, mẹ tằn tiện gởi cho Ghi 300.000 đồng/tháng, nhiêu đó cho việc, ở, đi lại và mọi khoản khác là đã eo hẹp lắp rồi. Nhưng rồi Ghi nỗ lực và học rất giỏi, nên đã chiếm được sự nể trọng của mọi người. Năm 2005, học môn Phong cách sáng tác, cô sinh viên “gù”ø cùng với 42 thành viên của lớp đã đứng ra tổ chức một liveshow thời trang mang tên “Huyền ảo sắc thu”, trình diễn tại trường, được đưa lên sóng truyền hình… Ghi kể: “Để liveshow ra mắt đúng hẹn, mình và các bạn trong nhóm phải chạy đua với thời gian, nhiều khi đến bữa ăn, chỉ kịp nhai bánh mì. Khi chọn nghề May và Thiết kế thời trang, Ghi chỉ nghĩ rằng mình phải kiếm một việc gì đó để lo cho bản thân, rồi phụ giúp với mẹ lo cho 3 đứa em ăn học đàng hoàng. Nhưng khi xem các chương trình trình diễn của nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh, mình đã có ý nghĩ khác và quyết tâm học thật tốt để sau này có thể gắn bó với ngành thời trang”.
“Ghi học rất chăm, tiếp thu nhanh những yêu cầu khắt khe của bài giảng cũng như phần thực hành. Nhiều mẫu mã do chính em sáng tạo mang một nét gì đó rất riêng và độc đáo. Không những thế, em còn chỉ bảo nhiệt tình cho các bạn khác để cùng nhau tiến bộ. Tôi tin rằng, sự cố gắng của em sẽ thành công và được đền đáp xứng đáng. (Thầy Đặng Phước Thịnh, giảng viên môn Thiết kế Cao cấp, trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp 2 TP. HCM)
Đam mê đã đến với Ghi như thế. Có khi học cả ngày về nhà trọ rất mệt, nhưng mới vừa chợp mắt, ý tưởng lóe lên trong đầu, Ghi liền choàng dậy, hí hoáy vẽ, hí hoáy phác thảo. Sáng mai lên lớp, Ghi đưa cho các bạn và thầy cô xem, nhiều phác họa của Ghi được khen là có ý tưởng mới và mang phong cách hiện đại.
Ghi nhớ, sản phẩm đầu tay là chiếc quần âu cho cậu em trai, sản phẩm thứ hai là chiếc áo dài cho cô em gái đang bước vào cấp 3. Ghi gửi gắm vào đó tình cảm, trách nhiệm của người chị cả dành cho mấy đứa em và đã hoàn tất sau mấy đêm liền không ngủ. “Làm xong tặng cho hai em, chị Ghi ốm mất mấy ngày”, em Trần Thị Thu Siêm, em gái kề Ghi, nói.
Năm nay, Ghi 22 tuổi, cũng là năm tốt nghiệp ra trường, bạn sẽ bắt đầu bươn chải để kiếm việc làm mưu sinh. Trên con đường ấy, mỗi sự động viên khuyến khích với Ghi đều quí giá vô cùng.
NGUYỄN AN LY