Năm học 2008 – 2009, ngành Giáo dục - Đào tạo phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Vai trò của tổ chức Đoàn rất quan trọng trong việc thực hiện đạt hiệu quả phong trào thi đua này.
Một hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Lương Văn Chánh – Ảnh: VĂN GIÁO |
Theo tôi, Đoàn trường cần tham mưu cho lãnh đạo nhà trường tuyên truyền sâu rộng nội dung của phong trào. “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Giáo viên, công nhân viên được nắm bắt thông tin trong các buổi hội họp, trên mạng hoặc qua tài liệu do nhà trường cung cấp. Đối với học sinh, nội dung của phong trào thi đua này được cung cấp bản tin, trong các hoạt động tập thể, đặc biệt là trong các buổi giao lưu đối thoại với lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Phú Yên về chủ đề “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Từ đó giáo viên, công nhân viên và học sinh nắm rõ mục đích, ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng trường học thân thiện.
Đoàn trường xác định trường học thân thiện là trường học có môi trường sống lành mạnh, an toàn, có đủ nước sạch, ánh sáng, phòng y tế, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập... Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Đoàn trường chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, thực hiện các phần việc thanh niên như vận động gây quỹ giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học, tặng sách giáo khoa cũ, làm vệ sinh trần phòng học, hành lang và cửa sổ... Ngoài ra, Đoàn trường nên tổ chức các diễn đàn, các hội thi để tuyên truyền, ngăn chặn xu hướng sống thực dụng, nâng cao nhận thức để học sinh không mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, chất gây nghiện, không mắc vào các tệ nạn xã hội; phát huy hoạt động của thùng thư an ninh; cung cấp địa chỉ của các trang web lành mạnh cho học sinh truy cập và tìm kiếm thông tin. Định hướng cho học sinh thông qua các tờ báo của Đoàn, bản tin Đoàn trường.
Phát huy vai trò nòng cốt của các giáo viên trẻ trong các câu lạc bộ, tham mưu cho ban giám hiệu tạo mọi điều kiện thuận lợi để các giáo viên trẻ tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tham gia diễn đàn học thuật trên mạng, đăng ký đề tài sáng kiến, tham gia tốt thao giảng, hội giảng. Đối với học sinh, Đoàn trường phải xác định nhiệm vụ học tập là trọng tâm để từ đó phối hợp với các tổ chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, giúp học sinh có động cơ, thái độ học tập đúng đắn; tổ chức các sân chơi học thuật, diễn đàn học tốt, kích thích học sinh đưa ra những ý tưởng, cách làm hay đạt hiệu quả trong các mặt học tập, rèn luyện... Kịp thời biểu dương, đề nghị khen thưởng các học sinh giỏi tiêu biểu, các gương vượt khó trong học tập. Tích cực tham mưu cho lãnh đạo nhà trường tìm kiếm học bổng, xây dựng quỹ “Vì bạn nghèo quanh ta”.
Đoàn trường chú trọng giáo dục các em biết rèn luyện thân thể, biết tự bảo vệ sức khỏe, sống lành mạnh, an toàn thông qua các lớp tập huấn do ngành và Đoàn cấp trên tổ chức, các sân chơi về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, sức khỏe sinh sản vị thành niên; giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc tập thể, kỹ năng sống và xử lý các vấn đề liên quan đến tình bạn, tình yêu...
Ngoài những hoạt động do nhà trường tổ chức, Đoàn trường có thể tổ chức lồng ghép các hoạt động giáo dục truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”, truyền thống yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn”... Học sinh sẽ cảm thấy thoải mái khi vừa được trang bị kiến thức vừa thâm nhập thực tế qua các buổi ngoại khóa, các hoạt động tập thể vui mà học. Như thế, mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui.
Tôi tin rằng, nếu các Đoàn trường có kế hoạch thực hiện tốt những nội dung trên thì sẽ góp một phần không nhỏ cùng với nhà trường thực hiện thắng lợi phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
HUY VĂN