Thứ Năm, 31/10/2024 12:24 CH
Thứ trưởng Bộ Lao động –Thương binh –Xã hội Đàm Hữu Đắc:
Cơ hội việc làm cho thanh niên nông thôn rất nhiều
Thứ Sáu, 07/11/2008 07:33 SA

Theo khảo sát sơ bộ của Trung ương Đoàn, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của thanh niên nông thôn (TNNT) là 28% (tương đương 4 triệu người). Đây là một gánh nặng không chỉ cho bản thân một bộ phận TNNT mà còn là gánh nặng của xã hội… Vì vậy, giải quyết việc làm cho TNNT trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu trong việc triển khai nghị quyết T.Ư 7.

 

TN-081107.jpg

Thanh niên đăng ký tìm việc tại một trung tâm giới thiệu việc làm - Ảnh: N.HÂN

 

Ông Đàm Hữu Đắc, thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: “Không phải đến khi nghị quyết T.Ư 7 mới có những chính sách quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho TNNT, mà trước đó Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi quan tâm đến bộ phận TNNT: hỗ trợ ngắn hạn cho TNNT học nghề; hỗ trợ TNNT, HSSV nội trú; vay vốn ưu đãi cho TNNT; chương trình cho vay tín dụng đối với HSSV; chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia... Ngoài ra còn nhiều văn bản, nghị quyết trong việc đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho TNNT. Bên hệ thống Đoàn cũng có rất nhiều đề án sát sườn với TNNT”.

 

* Thứ trưởng có thể cho biết với nhiều cơ chế chính sách quan tâm như vậy nhưng một bộ phận lớn TNNT thất nghiệp, thiếu việc làm, vẫn phải tha phương xứ người tìm kế sinh nhai?

 

- Phần lớn TNNT và cả thanh niên (TN) dân tộc miền núi đều không có nhiều điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Trình độ tay nghề chưa qua đào tạo; lý tưởng, hoài bão không phù hợp với bản thân… Nếu không hướng nghiệp, định hướng nhận thức... thì có đào tạo cỡ nào, cho vốn cỡ nào đều thất bại. Đây là một vấn nạn rất khó giải quyết, nếu xử lý được vấn nạn này thì các chính sách hỗ trợ, ưu đãi mới đến tay TNNT và đạt được hiệu quả cao.

 

* Nhưng ở phía ngược lại, các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền cũng như đưa chính sách ưu đãi về tận tay TN chưa?

 

- Bộ LĐ-TB&XH cũng như các cơ quan ban ngành khác cũng đã làm hết sức mình. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn và bất cập. Khi chưa có nghị quyết T.Ư 7, vấn đề về vốn cũng gặp không ít khó khăn, lại thêm thủ tục nhiêu khê. Cả nước có tới 170 trung tâm giới thiệu việc làm, 684 trung tâm dạy nghề nhưng hầu như chưa hoạt động hiệu quả, chưa đáp ứng được đòi hỏi của TN. Quan trọng nhất là vấn đề tuyên truyền cũng chưa làm tốt lắm.

 

* Thưa thứ trưởng, tới đây sẽ có những ưu đãi gì cho bộ phận TN, nhất là TNNT và dân tộc miền núi?

 

- Khi có nghị quyết T.Ư 7 cộng thêm những chính sách trước đây, chưa bao giờ TN, nhất là TNNT và dân tộc miền núi có cơ hội lớn như vậy.

 

Nghị quyết T.Ư 7 đã có sự quan tâm đặc biệt trong việc giải quyết việc làm cho TN, trong đó tập trung vào bộ phận TNNT và dân tộc miền núi. Đảng, Chính phủ mới đây cũng đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” với dự tính nguồn ngân sách lên đến 30.000 tỉ đồng nếu việc triển khai các dự án có hiệu quả. Trong đó có đề án vốn vay cho xuất khẩu lao động, mức vay khá cao khoảng 60 triệu đồng/người.

 

Bộ LĐ-TB&XH cũng đang có đề án xây dựng ba trung tâm giới thiệu việc làm cấp vùng (Hải Dương, Đà Nẵng và Đồng Nai), xây dựng sàn giao dịch mẫu tại Bắc Ninh; hoàn thiện và đầu tư mới các hệ thống dạy nghề từ T.Ư đến địa phương... Cơ hội nhiều nhưng nếu bộ phận TN, nhất là đối tượng TNNT, dân tộc miền núi, không chủ động nắm bắt cơ hội thì mọi cố gắng của cộng đồng xã hội cũng chẳng giúp ích gì cho họ.

 

* Vậy theo thứ trưởng, làm thế nào để TNNT nắm bắt được cơ hội này?

 

- Phải nắm bắt được TN thiếu gì, cần gì để trao đúng cái họ cần, họ thiếu. Đây là vấn đề cốt lõi, rất quan trọng, quyết định phần lớn việc thành bại của các kế hoạch khi triển khai. Cạnh đó các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương phải tạo điều kiện tốt nhất để mọi chính sách, ưu đãi đến tận tay TN. Về phía TN cần biết chủ động nắm bắt cơ hội, trang bị kiến thức, tay nghề cho mình để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội cũng như đầu tư cho tương lai bản thân.     

 

Liên kết, hợp tác làm ăn trong thanh niên nông thôn

 

Anh Phạm Huy Giang, Trưởng Ban thanh niên nông thôn (T.Ư Đoàn), cho biết sau nghị quyết T.Ư 7 của Đảng về công tác TN, Ban thường vụ T.Ư Đoàn mới đây cũng đã có nghị quyết nhằm nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho TN, trong đó chú trọng đối tượng TN nông thôn, TN dân tộc thiểu số.

 

Với nghị quyết này, T.Ư Đoàn chủ trương tăng cường mở rộng và phát triển mô hình liên kết, hợp tác làm ăn trong TN nông thôn. Đây sẽ là trọng tâm của Đoàn nhằm giúp TN nông thôn “lập thân, lập nghiệp”. Qua tổ chức Đoàn, TN có thể vay vốn từ hai nguồn quỹ: xóa đói giảm nghèo và Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Hiện các tổ chức Đoàn đã khai thác khoảng 2.500 tỉ đồng từ nguồn vốn này; dự kiến đến năm 2012 sẽ giải ngân 8.000 tỉ cho TN nông thôn vay. Cùng đó, còn có 50 tỉ đồng từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm giúp TN…

 

T.Ư Đoàn cùng Bộ LĐ-TB&XH đang gấp rút triển khai đề án “Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” với nguồn kinh phí mở, không dừng ở 1 tỉ USD, mà giải quyết theo nhu cầu thực tế của TN và hiệu quả của đề án.

 

Đoàn cũng sẽ lập các tổ, nhóm tư vấn để giúp TN có nhu cầu đi làm ăn xa; hỗ trợ các chương trình tập huấn, tư vấn nghề nghiệp, học nghề, tạo việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.                         

  

 

(TTO)

                             

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek