Đến hẹn lại lên, khi sinh viên tình nguyện (SVTN) khoác ba lô về miền núi “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân, thì gia đình anh Y Lôi ở buôn Bưng A và gia đình già làng Ma Lanh ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) lại tất bật huy động con cháu dọn dẹp nhà cửa để đón SVTN về ở cùng gia đình. Dù nhà cửa không rộng rãi, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng tấm lòng bà con thì luôn rộng mở.
Tun Len (thứ hai từ phải sang) đang dặn dò các SVTN Ảnh: VĂN TÀITun Len (thứ hai từ phải sang) đang dặn dò các SVTN Ảnh: VĂN TÀI |
Từ năm 2002 đến nay, khi tham gia chiến dịch tình nguyện, cán bộ Đoàn các trường cao đẳng, đại học ở Phú Yên chí ít cũng có lần sống trong hai ngôi nhà thắm đượm nghĩa tình này. Năm nay là lần thứ hai SVTN Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 về nhà Y Lôi và già làng Ma Lanh để bắt đầu một tháng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con. Trước đó, mùa hè năm 2003, Đoàn trường này cũng đã “ở trọ” miễn phí tại đây trong một tháng.
Hôm các SVTN về nhận địa bàn, gia đình Ma Lanh và Y Lôi đến tận trụ sở UBND xã để đón họ về nhà mình cho bằng được. Với họ, bao năm qua, hình ảnh SVTN đã trở nên quá đỗi thân quen. “Tụi nó như con cháu mình nên tôi quyết định đăng ký và đưa tụi nó về ở”- già làng Ma Lanh bộc bạch.
Hè năm nay, gia đình Ma Lanh đã đón 8 SVTN về nhà mình. Các bạn vừa đặt chân lên cầu thang thì mẹ của Ma Lanh là Tun (bà) Len đã nói một tràng tiếng Ê Đê, vui mừng như đón con cháu mình đi xa về. Kpá Y Xem, cán bộ Ban mặt trận thanh niên (Tỉnh đoàn Phú Yên) “phiên dịch”: Tun Len nói: Tụi bây cứ ở đây, thiếu gì thì cứ nói, muốn ở bao lâu cũng được, đừng ngại. Nhà có thứ gì dùng được, cứ lấy mà dùng…”
Thật xúc động! Dù nhà cửa không rộng rãi, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tấm lòng của người dân ở đây luôn rộng mở với SVTN.
Căn nhà nhỏ của Y Lôi hiện là nơi ở của 7 SVTN. Thu xếp cho họ ở nhà trên, còn vợ chồng anh thì ở nhà dưới. Họ tiếp đón các chiến sĩ áo xanh ân cần, gần gũi ấm áp như người nhà. Gia đình Ma Lanh và Y Lôi đưa đồ dùng sinh hoạt như nồi cơm điện, quạt máy, ti vi… để SVTN sử dụng. Họ dặn: Trong nhà có gì dùng được cứ dùng. Mấy đứa đừng có khách sáo!
Khó khăn lớn nhất của SVTN khi về với đồng bào là điều kiện sinh hoạt, vì chiến dịch kéo dài trong một tháng. Tuy nhiên, khi được hai gia đình đón về với tình cảm ấm áp chân thành, nỗi lo lắng về nơi ăn chốn ở của 15 SVTN tại mặt trận Ea Lâm được xua tan. Các chiến sĩ yên tâm triển khai ngay các hoạt động.
Thầy giáo Nguyễn Văn Minh (Trường Cao đẳng Xây dựng số 3), người đồng hành với SV tình nguyện trong nhiều mùa hè, nói: “Tôi đã nhiều lần “cùng ăn, cùng ở” tại nhà anh Y Lôi. Gia đình anh rất quý SVTN nên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi ổn định nơi ăn ở và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
SVTN Nguyễn Văn Hùng ở nhà Ma Lanh kể: “Những ngày đầu đến đây, sáng nào chúng tôi cũng dậy sớm để tập thể dục và chuẩn bị bữa sáng cho các bạn. Chúng tôi tránh làm ồn để không phiền đến anh chị. Thế mà đã thấy anh chị dậy từ khi nào, khi thì anh chị xách dùm nước, khi thì cho thêm củi đốt hay ít rau, chuối…” Còn SVNT Nguyễn Thị Oanh ở nhà Ma Lanh cho biết: “Đêm đầu tiên ngủ ở nhà ông, chúng tôi không mắc mùng nên bị muỗi chích. Biết được chuyện này, ông đã mượn thêm mùng của nhà hàng xóm và tối hôm sau, chúng tôi được ngủ một giấc ngon lành”.
Hai tuần qua, tiếng cười đùa, tiếng ê a học bài của trẻ thơ làm cho hai căn nhà thắm đượm nghĩa tình này thêm rộn ràng. SVTN về đây, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp dân. Nghĩ đến khi chiến dịch kết thúc, phải chia tay các bạn trẻ, Y Lôi không giấu được nỗi buồn. “Tụi nó đi rồi tao nhớ lắm”- anh thổ lộ.
NGUYỄN VĂN