Hiện nay, trên địa bàn huyện miền núi Đồng Xuân số đoàn viên thanh niên (ĐVTN) không có việc làm chiếm tỉ lệ trên 80%. Bên cạnh đó, việc TN rủ nhau đi tìm việc làm ở các đô thị theo thời vụ dẫn đến việc mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp tuổi trẻ gặp nhiều khó khăn...
Đào tạo nghề may dân dụng tại Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Xuân – Ảnh: V.TÀI |
Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân những ngày cuối tháng 4 khá vắng vẻ. Gọi là nơi dạy nghề cho nhiều đối tượng lao động nhưng có lớp chỉ thưa thớt vài học viên, trong đó rất ít ĐVTN. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng dù đã nghe Phó Bí thư Huyện đoàn Huỳnh Việt Hùng cho biết trước đó.
Lý do Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân chưa thu hút đông đảo ĐVTN theo học chính ở khâu tuyên truyền còn hạn chế, ngành nghề đào tạo khá hẹp, lại chưa phù hợp - anh Hùng cho biết. Và quan trọng nhất là sau khi học xong, học viên không biết đi xin việc ở đâu và ai đứng ra làm cầu nối giúp họ… Do vậy, hoạt động đào tạo nghề ở huyện Đồng Xuân nhiều năm qua không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, số ĐVTN thất nghiệp ngày một tăng và việc dôi dư lao động đang tạo nhiều bức xúc trong quá trình lập thân, lập nghiệp của giới trẻ.
Tại lớp Gò hàn, chúng tôi chứng kiến cảnh các học viên tập trung quanh một chiếc máy để chờ đến lượt mình. Nơi đây chỉ là một hành lang rộng chừng 2m, khá bừa bộn, được trung tâm bố trí làm lớp học. Anh Võ Duy Lộc, ở xã Xuân Long, học viên của lớp, cho biết: “Tôi vào đây học hơn một tháng rồi. Học phí được miễn hoàn toàn, nhưng tôi rất băn khoăn không biết có kiếm được việc làm để nuôi sống bản thân sau khi học xong hay không? Nghe nói mấy anh chị khóa trước đến nay vẫn chưa có việc làm, tôi thấy lo lắm.”
Làm một cuộc trắc nghiệm nhỏ với 112 ĐVTN đang theo học các nghề cắt may dân dụng, sửa chữa xe máy, chăn nuôi, thú y, tre đan…, thật bất ngờ khi có đến 99% học viên luôn trăn trở về đầu ra cho ngành nghề mình đang học. Trong khi đó, hằng năm Nhà nước đầu tư hàng chục triệu đồng hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập cho ĐVTN, nhất là các chương trình 135, 134 xoá đói, giảm nghèo và phát triển bền vững ở vùng sâu, vùng xa. Bất cập ở đây chính là chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa Trung tâm Dạy nghề huyện và Huyện đoàn Đồng Xuân. Giữa hai đơn vị này, nhiều năm qua vẫn chưa có một ký kết liên tịch để cùng tìm ra lời giải hay cho bài toán việc làm của ĐVTN ở địa phương.
Theo ông Đỗ Đức Tánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Xuân, lý do mà đơn vị chưa phối hợp với Huyện đoàn trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho ĐVTN là sự không nhiệt tình của các cán bộ đoàn. “Thường trực Huyện đoàn cho rằng chúng tôi chưa bao giờ đến đặt vấn đề phối hợp nên tổ chức Đoàn không thể làm cầu nối cho ĐVTN trong huyện đến học nghề. Trong khi đó, ĐVTN không có việc làm ngày một tăng, ngay cả việc giới thiệu ĐVTN đi xuất khẩu lao động cũng không đạt chỉ tiêu…” - Ông Tánh cho biết.
Qua tìm hiểu thực tế ở 11 đoàn cơ sở các xã và thị trấn thuộc huyện Đồng Xuân, đa số ĐVTN sau khi học nghề phải tự bươn chải tìm việc, tất cả đều mong muốn được đảm bảo một việc làm ổn định trước khi tham gia đào tạo nghề. Biết rằng, ĐVTN phải tự thân vận động, năng động và chịu khó trong quá trình tìm việc. Biết rằng, tổ chức Đoàn, Hội cần phải giúp ĐVTN nhận thức đúng nghề nghiệp và phấn đấu thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đoàn huyện Đồng Xuân là mỗi cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư là một tổ tư vấn nghề cho thanh niên. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng là các cấp bộ Đoàn từ huyện đến cơ sở phải phối hợp tốt với cơ sở đào tạo để hoạt động dạy và học nghề đạt hiệu quả hơn. Đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và tham gia xuất khẩu lao động trong thời gian tới…
LỆ VĂN