Thứ Ba, 24/12/2024 10:26 SA
Để thanh niên nông thôn vững vàng trong lập thân, lập nghiệp
Thứ Sáu, 18/04/2008 11:00 SA

Hiện nay, thanh niên nông thôn (TNNT) chiếm khoảng 80% tổng số TN toàn tỉnh. Đây là nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng hạn chế của TNNT hiện nay là trình độ học vấn thấp, thiếu việc làm và ít có cơ hội được đào tạo nghề.

 

080418-tu-van.jpg

Trung tâm Giới thiệu việc làm và dạy nghề Công đoàn Phú Yên tổ chức tư vấn nghề cho thanh niên -  Ảnh: HÂN NGỌC

 

NHIỀU TRỞ NGẠI VỚI TNNT

 

Theo thống kê của ngành Lao động-Thương binh - Xã hội Phú Yên, 85% số TNNT có trình độ văn hóa dưới cấp 2 và TN không có tay nghề chiếm hơn 90%. Trong khi đó, tỉ lệ TNNT lao động giản đơn, phi nông nghiệp chiếm khoảng 27%. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-29 ở nông thôn lên tới 77%.

 

Trước những khó khăn trong lập nghiệp tại địa phương, rất nhiều TNNT đã ly hương, đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm. Do đó, tỉ lệ TNNT rời bỏ quê hương đi làm ăn xa hằng năm chiếm đến 20-30%. Song, do đại đa số TNNT có trình độ học vấn và tay nghề thấp nên chỉ tìm được những công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh và gặp rất nhiều rủi ro như làm thợ xây, hoặc làm việc tại các khu công nghiệp với mức lương thấp. TNNT trụ lại  địa phương để phát triển kinh tế gia đình cũng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, không áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, vì thế chưa lập nghiệp hiệu quả và bền vững.

 

Nhiều lãnh đạo Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa cho rằng thực trạng TNNT học vấn thấp và không có tay nghề đã ảnh hưởng rất lớn đến chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương. Bên cạnh đó, do kinh phí hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động tư vấn, dạy nghề còn hạn chế nên bước đường lập nghiệp của TNNT cũng không thuận lợi.

 

GIÚP TNNT LẬP NGHIỆP HIỆU QUẢ, CÁCH NÀO?

 

Để giải quyết thực trạng này, trong thời gian qua, Tỉnh Đoàn Phú Yên và Sở Lao động - Thương binh - Xã hội đã đề ra các giải pháp trợ giúp đoàn viên thanh niên nói chung và TNNT nói riêng thông qua các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Thanh niên sản xuất giỏi”, dự án “Làng ngư nghiệp thanh niên”, “Làng nghề truyền thống”… Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban chấp hành Trung ương Đoàn về tăng cường vai trò của Đoàn trong vận động, tổ chức thanh niên tham gia phát triển kinh tế, Đoàn đã phát động TNNT thi đua thực hiện phong trào “4 mới” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, gồm: kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới và mô hình mới tại các địa phương. Đoàn thanh niên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nông, lâm, ngư cho đoàn viên TNNT, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, theo hình thức tín chấp. Các hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cổ vũ TNNT làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

 

Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện Đoàn Đông Hòa Ngô Viết Hải, hiện nay số TNNT được vay vốn để phát triển sản xuất, làm kinh tế không nhiều. Chính sách vay vốn cho TNNT còn bị bó hẹp, chưa thật sự mở rộng cả về nguồn vốn và hình thức cho vay. Do vậy, cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình phát triển kinh tế nông thôn, yếu tố mang tính quyết định trong quá trình lập nghiệp của TNNT. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách đổi mới về giáo dục đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo những nghề kỹ thuật, công nghệ và công nghệ cao theo nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, cần tìm ra những mô hình đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương. Việc đào tạo nghề nên tiến hành tại chỗ, tránh tốn kém cho TNNT. Đồng thời, các cơ sở Đoàn phải nắm rõ nguyện vọng của TNNT, tư vấn kịp thời về nghề nghiệp và hỗ trợ các doanh nhân trẻ ở nông thôn, khuyến khích đầu tư của tư nhân vào khu vực nông thôn. Bí thư Xã Đoàn Hòa Trị (huyện Phú Hòa) Trần Như Việc đưa ra giải pháp:  Đoàn Thanh niên cần tham gia giám sát và đề xuất nâng cao hiệu quả của các chương trình 135, 134 đối với việc xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững ở vùng sâu, vùng xa nơi tập trung nhiều TNNT nhất. Đặc biệt, TNNT phải tự thân vận động,  năng động trong tìm kiếm việc làm.  Các cấp bộ Đoàn ở cơ sở cần tiếp tục tìm ra những cách làm mới hỗ trợ TNNT giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giúp họ tránh được những hậu quả xấu và những thua thiệt vốn là tác động của mặt trái cơ chế thị trường với nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung và TNNT nói riêng…

 

LỆ VĂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek