Thứ Hai, 06/01/2025 09:10 SA
Chàng kỹ sư thủy sản nuôi... trùn quế
Thứ Sáu, 04/01/2008 16:00 CH

Tốt nghiệp kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, từ chối những chỗ làm thu nhập cao tại các công ty chuyên ngành, Huỳnh Mỹ Nguyên quyết tâm về lại quê hương Sông Cầu với mong muốn giúp bà con phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững.

 

080104-trun-que.jpg

Anh Nguyên đang chăm sóc trùn quế - Ảnh: VĂN TÀI

 

Xuất thân từ làng biển Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh (Sông Cầu), nơi người dân chuyên sống bằng nghề nuôi tôm, Huỳnh Mỹ Nguyên đã có những năm tháng tuổi thơ theo cha, theo mẹ đi nuôi tôm...Vì vậy, Nguyên đã quyết tâm thi vào ngành thủy sản để thỏa ước nguyện đến một ngày nào đó sẽ áp dụng kỹ thuật, kiến thức học được về giúp gia đình, quê hương và tự thân lập nghiệp.

 

Qua thực tế, Huỳnh Mỹ Nguyên nhận thấy ở huyện Sông Cầu nói chung và xã Xuân Thịnh nói riêng, NTTS là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, then chốt để phát triển và giúp người dân thoát nghèo. Vì vậy, việc phát triển ngành NTTS bền vững là một nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh những giải pháp về quy hoạch vùng và quy trình kỹ thuật nuôi thuỷ sản, thì việc tìm cách kích thích tăng trưởng ở con tôm bằng biện pháp sinh học cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Qua khảo sát, tìm hiểu, Nguyên nhận thấy, trùn quế là một thức ăn thích hợp, anh giải thích: “Trùn tươi làm thức ăn cho tôm rất tốt, khi người nuôi sử dụng nó như một thức ăn tươi sống sẽ giúp tôm tăng trưởng nhanh và an toàn”. Trong khi đó, việc đầu tư nuôi trùn không đòi hỏi chi phí cao, Nguyên quyết định vừa sản xuất trùn quế, vừa áp dụng và thử nghiệm trên tôm sú để rút kinh nghiệm. Và anh đã mạnh dạn xây dựng dự án “Nuôi trùn quế” trình Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu để xin hỗ trợ kinh phí thực hiện.

 

Với những luận cứ thuyết phục, khả thi trong thực tiễn, dự án của Nguyên đã được huyện Sông Cầu hỗ trợ 10 triệu đồng. Nhờ vậy, Nguyên đã triển khai mô hình nuôi trùn quế trong gần một năm qua tại Xuân Thịnh. Nguyên “chạy” từ Phú Yên vào TP Hồ Chí Minh mua con giống, sau 2 tháng nuôi thì thu hoạch. Anh cho biết: Nếu thả 2 tấn giống sinh khối trùn nuôi trên 100m2 , sau khi trừ chi phí, mỗi đợt thu lãi từ 2-3 triệu đồng… Nhưng theo chàng kỹ sư mới 24 tuổi này, kết quả thành công nhất đó chính là tìm ra một loại thức ăn mới, thích hợp để đáp ứng phần nào nhu cầu bổ sung thực phẩm tươi sống nhằm kích thích sự tăng trưởng cho con tôm thay cho cá tạp, góp phần hạn chế việc khai thác nguồn lợi ven bờ làm thức ăn NTTS, hạn chế ô nhiễm môi trường.

 

Trùn quế có tên khoa học là Perionyx excavatus, chi Pheretima, họ Megascocidae (họ cự dẫn), ngành ruột khoan. Chúng thuộc nhóm trùn ăn phân, thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy, trong tự nhiên ít tồn tại với quần thể lớn và không có khả năng cải tạo đất trực tiếp như một số loài trùn địa phương. Đây là loài trùn mắn đẻ, xuất hiện rải rác ở vùng nhiệt đới và cũng là một trong những giống trùn đã được thuần hóa, nhập nội và đưa vào nuôi công nghiệp với các quy mô vừa và nhỏ.

Qua thực nghiệm của những người nuôi tôm địa phương, sử dụng trùn quế làm thức ăn tươi sống cho con tôm đã mang lại các lợi ích sau: Cung cấp hàm lượng protein, lipit, khoáng chất cho tôm nuôi; giúp tôm hấp thụ tốt hơn các loại thức ăn khác; từ đó rút ngắn được thời gian nuôi, tăng sức đề kháng cho tôm, giúp tôm khỏe mạnh hơn, giảm hệ số thải thức ăn và giảm sự ô nhiễm môi trường nuôi. Nhiều người dân nuôi tôm sú ở Hòa Hiệp sau khi sử dụng trùn quế khẳng định: “Trùn quế đúng là thức ăn rất tốt cho con tôm, góp phần giảm chi phí đầu tư cho vụ nuôi.”

 

Theo Bí thư Xã đoàn Xuân Thịnh Lê Thành Bê thì  từ ngày triển khai đến nay, mô hình của anh Nguyên đã tổ chức thành công 2 lần hội thảo đầu bờ, thu hút gần 100 lượt người tham gia, trong đó có rất nhiều đoàn viên thanh niên trong vùng và các xã lân cận. Nhờ kích thích được giới trẻ địa phương ham lao động, sáng tạo nên Nguyên nhận được nhiều sự đồng tình, hưởng ứng…

 

Theo Huỳnh Mỹ Nguyên, con trùn quế không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho con tôm, mà còn là loại thức ăn đạm cao cấp dùng cho vật nuôi như ba ba, tôm, ếch, cua biển. Bên cạnh đó, đối với gia súc, gia cầm, trùn quế là loại thức ăn bổ dưỡng, chỉ cần cung cấp một lượng nhỏ và cho ăn 2 lần một tuần sẽ làm cho đàn gia súc, gia cầm phát triển nhanh hơn. Anh cũng “bật mí”, muốn nuôi trùn quế đạt hiệu quả, người nuôi cần chú ý đến kỹ thuật, cách tạo luống trại, chất nền, con giống, thức ăn, độ ẩm và cách “vỗ béo” trùn để bán… Anh cho biết sẵn sàng hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cũng như con giống nếu như người dân trong tỉnh có nhu cầu.

 

VĂN TÀI

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tôi nâng niu cây đàn... tình tang...
Thứ Tư, 02/01/2008 07:34 SA
Người thổi hồn cho gỗ lũa
Thứ Tư, 02/01/2008 07:10 SA
Thanh niên giữ “lửa” cồng chiêng
Chủ Nhật, 30/12/2007 07:00 SA
Bạn ơi, chớ đua đòi!
Thứ Sáu, 28/12/2007 13:38 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek