Thứ Tư, 02/10/2024 00:35 SA
Thanh niên phát huy hiệu quả vốn vay
Thứ Tư, 26/10/2016 08:58 SA

Đinh Văn Ìn, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Thanh niên nuôi tôm, ép nước mắm ở xã An Hòa (huyện Tuy An) đang kiểm tra mắm trong thời gian ép - Ảnh: TRUNG HIẾU

Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn và của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng trăm hộ thanh niên trong tỉnh đã có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến hải sản…

 

Có vốn, có điều kiện làm ăn

 

Trước năm 2010, thanh niên ở các địa phương trong tỉnh rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nguyên nhân là do nhiều thanh niên ở chung hộ với cha mẹ và khi chủ hộ đã vay qua kênh phụ nữ hoặc nông dân thì thanh niên không được phép vay vốn qua kênh thanh niên. Để tháo gỡ những khó khăn này, nhiều cơ sở Đoàn, Hội trong tỉnh linh động hướng dẫn thanh niên đã lập gia đình tách hộ khẩu ra riêng, đồng thời thành lập tổ vay vốn và hướng dẫn thanh niên làm thủ tục vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ đó, nhiều thanh niên có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư nuôi bò, nuôi tôm hùm, heo rừng, làm mắm, trồng mía… Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên Hồ Văn Thục cho biết: “Thông qua kênh Đoàn Thanh niên, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã ủy thác 103 tỉ đồng cho 159 tổ vay với gần 5.000 hộ vay. Nhiều thanh niên đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên có điều kiện trả nợ gốc, lãi đúng hạn”.

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Thoại ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) là một điển hình. Năm 2013, sau khi lập gia đình, anh Thoại tách hộ ra riêng và thông qua kênh Đoàn Thanh niên anh vay được 15 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa, đầu tư trồng 3ha mía. Anh Thoại cho biết: “Nhờ nguồn vốn này, mỗi năm vợ chồng tôi kiếm trên 100 triệu đồng tiền bán mía. Bây giờ, chúng tôi không chỉ trả hết nợ mà còn có điều kiện nuôi hai đứa con và mua sắm vật dụng trong gia đình”.

 

Ngoài tiếp cận các nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều thanh niên ở một số huyện còn thành lập tổ hợp tác (THT) thanh niên để tiếp cận các nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn. Anh Nguyễn Trung Lương, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn công nhân viên chức và đô thị Tỉnh đoàn Phú Yên, cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 7 THT thanh niên, mỗi tổ từ 5-8 thành viên gồm các THT nuôi cá trê lai, bò sinh sản, heo rừng; THT nuôi tôm, ép nước mắm… Các THT này vay tổng cộng hơn 900 triệu đồng và đang làm ăn rất hiệu quả. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục khảo sát các mô hình thanh niên làm kinh tế để xoay vòng vốn vay, giúp thanh niên có điều kiện làm ăn thoát nghèo”.

 

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

 

3 năm qua, THT Chăn nuôi tổng hợp thanh niên xã An Cư (huyện Tuy An) đã phát huy rất tốt hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn. Anh Nguyễn Ngọc Vương, Chủ nhiệm THT này, cho biết: “Năm 2012, Xã đoàn An Cư thành lập THT với 3 thành viên, sau đó phát triển lên 7 thành viên. Ban đầu, vốn đối ứng của THT mua được 9 con bò sinh sản. Năm 2014, THT vay được 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn mua thêm 8 con bò sinh sản nữa. Đến nay, tổng đàn bò của THT tăng lên 34 con, trị giá khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, THT còn đầu tư nuôi hơn 100 con heo rừng lai, heo thịt các loại và đàn gà 500 con, mỗi năm cho doanh thu khoảng 180 triệu đồng”.

 

THT Thanh niên nuôi tôm, ép nước mắm ở xã An Hòa (huyện Tuy An) sử dụng vốn cũng hiệu quả không kém. Thành lập năm 2011 với 8 thành viên, năm 2012, THT này làm thủ tục vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn đầu tư ương, nuôi tôm hùm thịt ở Hòn Yến (Tuy An) và vịnh Vân Phong (Khánh Hòa); đồng thời đầu tư sản xuất, chế biến nước mắm và nuôi gà tại địa phương. “Đến nay, hàng năm mỗi thanh niên trong THT sau khi trừ chi phí lãi từ 40-100 triệu đồng”, anh Đinh Văn Ìn, Chủ nhiệm THT Thanh niên nuôi tôm, ép nước mắm ở xã An Hòa, cho biết.

 

Hiện nhiều THT kinh doanh cà phê, nước đá, cây cảnh trong tỉnh; THT nuôi cá trê lai ở Hòa Đồng (huyện Tây Hòa); THT trồng rau an toàn ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa)… cũng phát huy hiệu quả vốn vay. Tuy nhiên, theo thanh niên ở một số địa phương, mặc dù đã tiếp cận được nguồn vốn vay, nhưng mức vay còn rất hạn chế, không đủ để đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Mặt khác, ngân hàng cần phải thay đổi quy định khi chủ hộ (cha, mẹ) vay rồi thì thanh niên trong hộ đó không được vay nữa.

 

Trước đây, quy định của ngân hàng là khi cha mẹ vay rồi thì thanh niên ở chung hộ không được vay. Tuy nhiên, hiện nay, những trường hợp thanh niên đúng 18 tuổi trở lên không có việc làm, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mà cha, mẹ đã vay qua kênh hộ nghèo thì ngân hàng cũng xem xét cho thanh niên đó vay thông qua kênh giải quyết việc làm của ngân hàng. Mức vay theo quy định tối đa là 50 triệu đồng, nhưng do nguồn vốn hạn chế nên ngân hàng cho vay ở mức bình quân trên địa bàn khoảng 25-30 triệu đồng/trường hợp.

 

Hồ Văn Thục, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên 

 

TRUNG HIẾU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek