Thứ Năm, 24/10/2024 13:26 CH
2 thanh niên làm tranh từ… củi khô
Thứ Tư, 09/10/2013 14:00 CH

Một người học y dược, người kia học kế toán, ra trường làm việc đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng sau một thời gian thì cả 2 quyết định nghỉ việc để làm nhân viên Nhà máy đường KCP và theo đuổi vẻ đẹp của những bức tranh chế tác từ… củi khô. Quyết định táo bạo đó là của Bùi Võ Tuân (SN 1983) và Nguyễn Phúc Trí (SN 1985) cùng ở thị trấn Củng Sơn, huyện miền núi Sơn Hòa.

 

tri131009.jpg

Nguyễn Phúc Trí kiểm tra lại các bức tranh gỗ trước khi bán ra thị trường - Ảnh: N.QUANG

Ý TƯỞNG ĐẾN TỪ LỄ KỶ NIỆM 400 NĂM PHÚ YÊN

 

Đến bây giờ, Tuân và Trí vẫn còn nhớ như in về ý tưởng thành lập cơ sở gỗ mỹ nghệ của mình tại xã Suối Bạc, Sơn Hòa. Ý tưởng này theo Trí xuất phát từ lần cùng đoàn của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam tham gia diễu hành tại lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011 tổ chức ở TP Tuy Hòa vào tháng 4/2011. Tuân cho biết, trong thời gian tham gia diễu hành tại đại lễ kỷ niệm, anh tranh thủ thời gian đi tham quan một số điểm kinh doanh hàng lưu niệm trên địa bàn thành phố. Từ đó, anh nhận ra rằng hầu như tại các điểm kinh doanh này rất ít mặt hàng gỗ thủ công mỹ nghệ mang nét đặc trưng của Phú Yên phục vụ du khách khi đến dải đất miền Trung này. Vậy thì tại sao mình không tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ có sẵn tại địa phương để làm ra một sản phẩm gì đó có thể phục vụ nhu cầu của du khách?

 

Theo Tuân, vào thời điểm diễn ra lễ hội, du khách đến Phú Yên rất đông, nhưng các điểm kinh doanh hàng lưu niệm ở TP Tuy Hòa hầu như vắng bóng mặt hàng tranh gỗ. Nếu điểm kinh doanh nào có bán tranh gỗ để du khách mua làm quà thì cũng chỉ là tranh nhập về từ các tỉnh khác, không nhiều mẫu mã đẹp. “Từ thực tế này, chúng tôi mang ý tưởng làm tranh gỗ về đất núi Sơn Hòa cùng bàn bạc và góp vốn thành lập cơ sở gỗ mỹ nghệ mang tên Nét Xưa vào tháng 8/2011, với số vốn ban đầu 22 triệu đồng”, Tuân nói.

 

BIẾN CỦI KHÔ THÀNH SẢN PHẨM CÓ GIÁ TRỊ

 

Sau khi thành lập Cơ sở gỗ mỹ nghệ Nét Xưa, Tuân và Trí tìm đến các cơ sở chế biến gỗ ở huyện Sơn Hòa mua lại với giá rẻ những mẫu gỗ mà các cơ sở bỏ ra, hoặc xin những gốc cây bỏ lăn lóc ngoài rẫy mía, sắn của người dân mà theo Trí chỉ có thể làm củi, đồng thời tìm cây lồng mức đem về trồng trong vườn nhà. Để sản phẩm làm ra đạt độ tinh xảo và tính thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, tháng 9/2011, anh Trí tìm đến huyện K’rông Bông (Đắk Lắk) thuê Nguyễn Đài - người có nhiều kinh nghiệm trong chế tác tranh gỗ về làm tại cơ sở của mình.

 

Nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, lại có thợ giỏi làm việc, Trí và Tuân dồn hết thời gian cho công việc chế tác tranh gỗ và liên hệ với một số chủ quán cà phê ở thị trấn Củng Sơn ký gửi tranh để giới thiệu đến nhiều người. Phần lớn những bức tranh dài từ 0,25m đến 1m, ngang từ 0,2m đến 0,5m, có giá từ 220.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/bức, tùy kích cỡ và chất liệu gỗ.

 

Anh Trí cho biết mỗi gốc hương, cà te, xà cừ… xin về từ rẫy của bà con nông dân có thể xẻ ra được 15 miếng gỗ mỏng để làm nền của tranh; những mẫu gỗ mua với giá rẻ tại các cơ sở chế biến gỗ được tận dụng để chế tác thành các cánh hoa, con thú, nhà rông…; cây lồng mức thì cắt thành chữ của những câu đối… Tất cả được tận dụng tối đa. “Ban đầu, việc ký gửi tranh của cơ sở tại các quán cà phê chỉ để giới thiệu cho thực khách xem thôi, nhưng không ngờ chỉ sau vài ngày là họ mua hết, nên từ ký gửi chỉ 5 bức tranh, sau đó tăng lên 10 bức, rồi 15 bức... Có thời điểm không có tranh để bán, vậy là chúng tôi phải tuyển thêm thợ, lao động phụ việc về cùng làm để có đủ tranh bán ra thị trường”, anh Trí nói.

 

Sau hơn 2 năm hoạt động, hiện mỗi tháng Cơ sở gỗ mỹ nghệ Nét Xưa cung cấp ra thị trường gần 100 bức tranh các loại, không chỉ cung cấp cho khách hàng ở huyện Sơn Hòa, mà còn vươn đến TP Tuy Hòa, Nha Trang và TP Hồ Chí Minh. Hiện cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, khi có đơn đặt hàng nhiều thì có đến 20 lao động làm việc. Vừa rồi, Cơ sở gỗ mỹ nghệ Nét Xưa được Hội Nông dân huyện Sơn Hòa giới thiệu tham gia Hội chợ Nông nghiệp và thương mại tỉnh Phú Yên năm 2013 do Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh phối hợp tổ chức. Bà Nguyễn Thị Tạo, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hòa nhận xét: “Tranh gỗ của Cơ sở gỗ mỹ nghệ Nét Xưa có độ tinh xảo cao, nhiều mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Tại Hội chợ Nông nghiệp và thương mại tỉnh Phú Yên năm 2013, sản phẩm của cơ sở được khách hàng đánh giá cao và tiêu thụ mạnh”.

 

Để mở rộng quy mô cơ sở, Tuân và Trí vừa mua thanh lý một nhà rông văn hóa ở huyện Sông Hinh về sửa chữa lại với tổng kinh phí 300 triệu đồng để làm nhà trưng bày sản phẩm của cơ sở. Trí cho biết, trong quá trình chế tác tranh, khó khăn lớn nhất gặp phải là thiếu vốn, nên không thể nhận đơn đặt hàng từ 500 bức tranh trở lên.

 

“Chúng tôi không lo thiếu nguyên liệu để chế tác tranh, vì phế phẩm từ gỗ có tại địa phương rất lớn, có thể đáp ứng trong vòng 15 năm. Vấn đề ở đây là vốn, chúng tôi dự định sẽ liên hệ với Đoàn Thanh niên thị trấn Củng Sơn để được tư vấn cách tiếp cận vốn giải quyết việc làm của ngân hàng”, Trí nói. Còn bà Tạo thì cho biết, nếu Trí và Tuân có nhu cầu về vốn để phục vụ phát triển cơ sở gỗ mỹ nghệ của mình thì Hội Nông dân huyện sẽ tạo mọi điều kiện để được vay vốn tại Ngân hàng NN-PTNT hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội.

 

NGUYỄN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek