Gần 10 năm nay, anh gắn bó với ngư dân phường 6 (TP Tuy Hoà). Khi có những nguy cấp xảy ra trên biển, ngư dân gọi anh để được giúp đỡ. Anh là trung úy Nguyễn Ngọc Ry, người phụ trách Trạm kiểm soát Đà Rằng thuộc Đồn biên phòng 352.
Trung úy Nguyễn Ngọc Ry – Ảnh: T.N
Hết lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình, Nguyễn Ngọc Ry phải dừng việc học. Hai năm sau, anh lên đường nhập ngũ và trở thành lính biên phòng, được biên chế về Đồn 352, tiếp nhận công tác tại Trạm kiểm soát Đà Rằng (cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa). Công việc ở cảng khá bận rộn. Hàng ngày, anh phải đi mấy vòng kiểm tra tàu thuyền neo đậu trong bến và tuần tra trên biển. Bởi thế mà hơn 400 phương tiện ở cảng này trở nên quen thuộc với anh. “Chỉ cần thấy mũi thuyền từ ngoài xa cửa là biết thuyền của ai rồi” – anh vui vẻ cho biết.
Gắn bó với bà con ngư dân, anh mới hiểu nỗi vất vả của nghề biển. Biển khơi mênh mông mang lại cho họ áo cơm, song cũng ẩn chứa bao bất trắc và một số người đã không trở về nhà sau chuyến mưu sinh. Hiểu được những nguy nan của nghề biển nên Nguyễn Ngọc Ry kiểm tra gắt gao phương tiện trước khi xuất bến nhằm đảm bảo an toàn. Những tàu, thuyền thiếu phao cứu sinh, không có bảo hiểm cho người đi bạn… thì nhất định không được xuất cảng. Lúc đầu, nhiều người cho rằng anh hoạnh họe. Nhưng rồi họ hiểu ra và thực hiện một cách tự giác.
Năm 2004, Nguyễn Ngọc Ry thuyết phục Chỉ huy đồn, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh sắm máy bộ đàm phục vụ cứu hộ trên biển. Có phương tiện liên lạc, Trạm kiểm soát Đà Rằng đã liên lạc với tàu thuyền trên biển 24/24, kịp thời thông báo cho các lực lượng chức năng và đơn vị cứu hộ ngay khi phát hiện có phương tiện bị nạn trên biển. Những năm qua, Trung úy Ry và đồng đội của anh đã góp phần cứu sống hàng trăm ngư dân bị nạn.
Cách xử lý quen thuộc của chàng trung uý 32 tuổi này khi nhận được tin báo cần giúp đỡ là yêu cầu mọi người bình tĩnh. Tiếp đến, anh liên lạc với các thuyền đánh bắt gần khu vực đề nghị tiếp ứng nhanh nhất trước khi lực lượng cứu hộ của bộ đội biên phòng đến. Từ đây, trung úy Nguyễn Ngọc Ry nảy ra ý nghĩ: Sửa máy tàu ngoài khơi qua điện đàm. Vậy là biện pháp ứng cứu từ xa này được áp dụng. Khi có tàu lâm nạn do hỏng máy, thợ máy giỏi được mời tới trạm, hướng dẫn cho ngư dân cách sửa máy qua bộ đàm. Nếu thiếu thiết bị, phụ tùng thay thế, người nhà của họ sẽ gửi tàu mang ra.
Những sáng kiến nhỏ ấy đã đem lại lợi ích lớn cho ngư dân vùng biển này. Ở đây, từ người già đến thanh niên ai cũng biết và thân thiện với Ry “bộ đàm”, Ry biên phòng… 10 năm tuổi quân, 6 năm liên tiếp đạt danh hiệu chiến sĩ Quyết thắng, nhưng khi được hỏi thành tích lớn nhất, chàng trung úy trẻ lại bối rối: “Có lẽ là… được dân thương”.
TRẦN QUỚI