Bấy lâu nay, mỗi khi có công trình nào hư hỏng, xuống cấp, người ta nghĩ ngay đến trách nhiệm của “anh” thi công, nếu có vấn đề liên quan đến cấu trúc, kết cấu… thì xem xét thêm “anh” thiết kế…, rồi tiếp đến anh giám sát công trình. Khi cả ba anh này bắt tay nhau, cầm chắc công trình bị rút ruột một cách “êm ái” cho đến sau khi nghiệm thu xong, hoàn vốn xong, có khi bên A là chủ đầu tư cũng không phát hiện ra mình bị “rút ruột” khi nào. Chỉ thấy sau vài ba năm sử dụng, công trình đã hư hỏng. Cái cách ba “anh” kia bắt tay nhau cũng tinh vi lắm lắm. “Anh” thi công thì tìm cách tăng khống khối lượng phát sinh, bớt xén vật tư hoặc để qua mắt “anh” giám sát thì “bồi dưỡng” cho “anh” giám sát. Còn “anh” giám sát, ngoài tiền thù lao bên A trả theo hợp đồng, đôi khi còn được bồi dưỡng thêm để “tăng thêm trách nhiệm”. Còn “anh” thiết kế, ngoài mấy phần trăm thiết kế phí, cũng muốn có thêm chút đỉnh bằng cách nâng giá dự toán công trình lên quá mức cần thiết (số phần trăm thiết kế phí cũng tăng lên theo); rồi bật mí cho bên B biết có thể giảm bớt vật tư, nguyên liệu (ở mức độ nào đó) mà công trình “vẫn đảm bảo an toàn” không sụp ngay khi mới khánh thành (!); “anh” B biết ơn, “xè” cho “anh” thiết kế một số phần trăm trong cái số “rút ruột” đó. Ví dụ, theo nguyên lý, cọc bê tông cho công trình chỉ cần 8 thanh thép phi 16 là đảm bảo đủ độ kết cấu chịu lực; thiết kế nâng lên 10 thanh phi 18; đẩy dự toán lên mà bên A (với trình độ kỹ thuật xây dựng a-ma-tơ) làm sao biết, có khi cho rằng như thế công trình càng chắc. Và rồi khi thi công, bên B chỉ cần làm theo nguyên lý mà không làm theo thiết kế. Nếu có bị bên A phát hiện, công trình của mình bị “rút ruột”, bên B sẽ mời giám định mới (tất nhiên là có “phong bì” đi trước) kiểm định lại và đưa ra quyết định “công trình vẫn đảm bảo vì dù không đủ kết cấu cốt sắt như thiết kế nhưng vẫn đúng với nguyên lý”. Thế là hòa, công trình không phải làm lại. Chẳng bên nào bị thiệt cả. Có xử lý thì cũng “nhắc nhở”, “rút kinh nghiệm”. Còn nếu không bị phát hiện, mặc nhiên “bốn bên cùng có lợi”. Nói “bốn bên” là nói cả bên A. Vì khi dự toán công trình được đẩy lên cao, cái “phần trăm quản lý” của bên A vì vậy cũng tăng theo. Nói không ngoa, có những công trình không nhất thiết phải bố trí đèn trang trí hành lang nhiều, hoặc có thể giảm đi những chi tiết không thật hữu dụng, bên A cũng đồng ý cho thiết kế đưa vào. Hàng trăm bóng đèn (mỗi bóng đến 100.000 đồng hoặc hơn) lắp vào cho có hình có nét, chứ quanh năm chẳng bao giờ sử dụng, lâu ngày mưa gió hỏng, cháy, thế là có lý do để xin kinh phí trang bị lại hệ thống bóng đèn.
Chất lượng công trình, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh: DTX
Về trách nhiệm giám sát của bên A, ngoài việc thuê chuyên môn về giám sát, hầu như người ta cũng “tin tưởng tuyệt đối”, nhưng ai biết “ma ăn cỗ” ở đâu mà lần. Vì vậy công trình gần như phó thác cho “ba anh” kia. Mà hiện nay, nhiều “anh” A cũng không quan tâm gì lắm chất lượng công trình của mình. Có khi họ còn “mong” cho công trình chóng xuống cấp để xin kinh phí sửa chữa – mỗi lần sửa chữa là một lần “có ăn” một cách “hợp pháp”; hoặc “hết nhiệm kỳ” là tếch rồi, hoặc về hưu, kẻ đến sau gánh lấy hậu quả. (Chỉ có nhân viên, viên chức còn làm việc trong những công trình đó lâu dài là phải chịu đựng sự xuống cấp của công trình nhiều).
Còn một biểu hiện thiếu trách nhiệm với chất lượng công trình của bên A là giục bên B “đẩy nhanh tiến độ thi công” bất chấp quy trình kỹ thuật, công nghệ. Mục đích của bên A là miễn sao công trình được “khánh thành” vào những dịp lễ trọng để lấy “thành tích”(!). Vì thế đã có không ít công trình hàng mấy tỷ đồng mới “khánh thành” một vài tháng đã hư hỏng nặng. Thế mà bên A vẫn “vô sự”. Đất nước còn nghèo mãi là vì “tinh thần trách nhiệm” kiểu này của các A.
“Chẻ” ra những chuyện trên để nói một điều, cần có cơ chế chặt chẽ trong việc xây dựng các công trình, mà trách nhiệm của bên A là không nhỏ. Nên chăng, có quy định đối với giá trị của mỗi công trình, sau một khoảng thời gian nào đó mới được sửa chữa (tiểu tu, trung tu, đại tu). Còn trong khoảng thời gian đó, nếu hư hỏng bên A phải tự sửa chữa bằng kinh phí của mình (tất nhiên viên chức, lao động cũng không dễ đồng ý “bóp bụng” mình để lãnh đạo cơ quan trích kinh phí sửa chữa một cách dễ dàng do thiếu tinh thần trách nhiệm gây ra hậu quả xấu cho công trình. (Đây cũng cần được xem là tiêu chuẩn đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ quản lý).
HỒ HẢI HIỀN