Chuyện rằng, có một chị ở công ty tư vấn xây dựng nọ có thai 6 tháng, gặp một người bạn là cộng tác viên bảo hiểm. Người bạn khuyên chị mua bảo hiểm y tế để đề phòng tai biến khi thai sản. Chị đã mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Thế nhưng khi sinh con, cơ quan bảo hiểm y tế không thanh toán tiền viện phí, thuốc thang với lý do “mua bảo hiểm sau khi đã có thai”.
Đem chuyện này hỏi cho rõ ngọn ngành, thì quả đúng có quy định như vậy. Tuy nhiên, chị lại không thấy thỏa đáng: thứ nhất là nếu có quy định như vậy thì khi “vận động”, nhân viên BHYT nên nói rõ điều kiện, tiêu chuẩn để khách hàng lựa chọn đồng ý hay không đồng ý mua trước khi sinh. Thứ hai là, nên chăng đối với trường hợp thai sản không xem việc “mua bảo hiểm y tế khi có thai” là cách “đối phó” của khách hàng với cơ quan bảo hiểm như một số trường hợp khác (bệnh kinh niên; tai nạn…). Bởi chúng ta có chủ trương chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, thì lẽ gì khi bé lọt lòng mẹ lại không được chăm sóc đến nơi đến chốn (dẫu qua “thân chủ” là người mẹ)?
Theo ý kiến của nhiều người, cơ quan bảo hiểm y tế cần nghiên cứu để có thể có chế độ bảo hiểm đầy đủ cho sản phụ dù họ mua BHYT trước hoặc khi đã có thai. Thường khi “vượt cạn” chị em phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn (kể cả tiền bạc, sức khỏe…), ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi và trẻ sơ sinh. Trong khi chưa bỏ được quy định trên, nên làm tốt công tác tuyên truyền vận động (như lồng ghép trong các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản) để chị em phụ nữ hiểu các điều kiện, tiêu chuẩn khi mua bảo hiểm y tế.
HỒ HẢI HIỀN