Báo Phú Yên số 610 (2413) ra ngày 25/8/2008, trong chuyên mục “Vấn đề bạn đọc quan tâm” có bài: “Có nên bỏ một số loại quỹ huy động của dân?”.
Trao nhà tình nghĩa cho một hộ gia đình chính sách ở huyện Sơn Hòa - Ảnh: T.HẢO |
Theo suy nghĩ của tôi, hiện nay đại bộ phận dân lao động và những người làm công ăn lương có mức thu nhập thấp, đời sống vô cùng khó khăn vì phải tính toán các khoản chi tiêu thiết yếu hàng ngày như ăn ở, đi lại, học hành, hiếu hỉ… do giá cả tiêu dùng tăng cao trong hai năm qua. Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước chủ trương giảm bớt một số loại quỹ huy động của dân lúc này là đúng. Nhưng chỉ nên giảm những loại quỹ chưa cần thiết, còn các loại quỹ như: Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo… là rất cần thiết, nên duy trì. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thể hiện nghĩa cử cao đẹp của người Việt
Theo tôi, chủ trương của Đảng và Nhà nước nêu ra là hoàn toàn đúng, nhưng việc thực thi khó hay dễ là do người thực hiện, mà người thực hiện lại chính là chúng ta. Tôi lấy ví dụ: Vừa qua khu phố chúng tôi huy động sức dân để cùng Nhà nước xây dựng trụ sở văn hóa thôn. Chúng tôi cho đây là chủ trương đúng nên đồng tình ủng hộ mức đóng góp là 150.000 đồng/hộ. Nhưng vừa thông báo cho chúng tôi trong cuộc họp sinh hoạt đảng viên nơi cư trú 6 tháng đầu năm 2008 vào ngày thứ bảy (19/7/2008) thì 2 ngày sau, cán bộ khu phố đã đến nhà thu tiền. Số tiền này không lớn đối với gia đình khá giả, nhưng với một số gia đình cán bộ công chức hành chính thì không phải nhỏ; bởi lẽ thu nhập gia đình 4 người chỉ vẻn vẹn có 3 triệu đồng/tháng, tất cả mọi chi tiêu trong tháng đều phải cân nhắc tính toán. Hay có những gia đình hiện nay chỉ chồng có công ăn việc làm còn vợ thì chưa… Khi cán bộ đến thu tiền, hầu hết các hộ gia đình chúng tôi đều vui vẻ đóng góp. Nhưng khi viết phiếu thu tiền, cán bộ còn “kèo nài” thêm, rằng gia đình 2 người là đảng viên phải đóng thêm… Cách vận động như thế đã làm cho các hộ dân bất bình… Tôi nghĩ các đồng chí cán bộ khu phố cần phải quan tâm, sâu sát hơn khi vận động dân đóng góp.
Trở lại vấn đề như báo đã nêu: “Vừa qua, một số cán bộ, nhân dân phường 5 có đề nghị UBND thành phố Tuy Hòa chỉ nên duy trì Quỹ Khuyến học, còn các loại quỹ khác như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo… nên bỏ vì hiện nay đời sống nhân dân rất khó khăn, việc vận động thu hàng năm rất khó”. Là một đảng viên, tôi không đồng tình với lý do “việc vận động thu hàng năm rất khó”. Mặt khác, tôi thấy Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo… là đúng, đại đa số nhân dân đều tán thành. Nhưng việc thực hiện phải nhất quán. Chẳng hạn như mức đóng góp với mỗi cán bộ, công chức tối thiểu là một ngày lương/năm (cho một loại quỹ) chúng tôi đã đồng tình. Song, một người lại phải thực hiện nghĩa vụ đến 2 lần/năm cho mỗi loại quỹ là điều phải xem xét. Cụ thể, ở cơ quan, chúng tôi đã đóng 2 ngày lương trong năm (thực tế có những cơ quan, đơn vị Công đoàn không vận động, không thông báo mà cứ thế kế toán đưa danh sách, thủ quỹ cấp lương là trừ), nhưng khi về đến nơi cư trú, cán bộ khu phố lại thu theo mức đóng góp của hộ dân nơi ở!
Theo tôi, quỹ đóng góp này nên phân cấp để phường thu và nộp vào kho bạc; cơ quan Nhà nước quản lý chỉ cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi giám sát việc thu và phân bổ lại cho phường, vì nguyên tắc quản lý thu, chi tài chính đều phải có hóa đơn, chứng từ. Do đó, đối với cán bộ công chức như chúng tôi đóng đủ một ngày lương quy định thời gian để nộp, sau đó mang phiếu thu trình cơ quan. Như vậy người đóng góp như chúng tôi cảm thấy thoải mái, hơn nữa cách làm này còn góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm.
HOÀI THƯƠNG
(phường 5, TP Tuy Hòa)