Đến ngày 27-2 hàng năm, xã hội lại rộ lên vấn đề y đức và đặt ra nhiều đòi hỏi khắt khe đến với các thầy thuốc.
Làm nghề nào cũng không thể tránh được những sai sót, rủi ro nhất định nhưng những sai sót của ngành Y gắn với sinh mệnh con người nên dù là một sai sót nhỏ cũng trở thành tiêu điểm quan tâm của toàn xã hội.
Bệnh viện tỉnh cần được trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại như thế này - Ảnh: Minh Ký
Bởi vậy, áp lực của dư luận xã hội đối với ngành Y là rất lớn. Bên cạnh sự kính trọng biết ơn và cảm thông của người bệnh và thân nhân người bệnh thỉnh thoảng người thầy thuốc cũng bị một số hờn trách mà trong đó không ít trường hợp không phải là lỗi chủ quan. Bệnh viện đa khoa Trung tâm Phú Yên đang quá tải.
Ngay trong những ngày tết vừa qua, những bác sĩ, y tá, hộ lý trực ở Trung tâm cấp cứu (cả nội và ngoại) phải gánh chịu một cường độ làm việc quá sức căng thẳng. Người nhà phải mang cơm đến cho các thầy thuốc ăn uống tại chỗ để phục vụ bệnh nhân 24/24. Ở khoa siêu âm, xét nghiệm, các bác sĩ được cử đi học tập trung cũng được động viên trực đêm để giải quyết một khối lượng công việc quá sức phục vụ điều trị.
Ngay cả khoa Nội A cũng không có một giường bệnh trống trong những ngày tết. Sự tận tụy và chu đáo của đội ngũ thầy thuốc ở khoa này làm cho các bệnh nhân cảm động. Ngay cả những bệnh nhân khó tính nhất cũng không thể có một lời chê trách, dù là nhỏ nhất.
Các thầy thuốc ở Bệnh viện trung tâm đã làm hết sức mình để phục vụ bệnh nhân. Nhưng y đức không chỉ đòi hỏi ở người thầy thuốc dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp mà đó còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Y đức không thể tỏa sáng nếu bệnh viện tỉnh mãi mãi ở trong tình trạng quá tải, các bệnh viện tuyến huyện không được quan tâm đúng mức để bệnh nhân dồn lên tuyến trên.
Đường đi trong bệnh viện toàn là đường đất làm sao bảo đảm vô trùng. Chuyển bệnh nhân từ khoa này sang khoa kia phải do người nhà khiêng đi trong mưa.
Một bệnh viện sau 16 năm tái lập tỉnh vẫn chắp vá một cách thảm hại.
Các phương tiện kỹ thuật cận lâm sàng vừa lạc hậu, vừa cũ kỹ. Mãi đến gần đây mới trang bị được một máy CT (chụp cắt lớp) nhưng vừa đưa vào sử dụng đã hỏng lên, hỏng xuống. Một phòng khám tư nhân đã có máy siêu âm 3 chiều (khoảng 90.000 USD). Tư nhân (cũng là bác sĩ ở bệnh viện mở phòng mạch tư) họ còn tự trang bị được còn bệnh viện của Nhà nước thì không!
Các máy điều hòa ở phòng cấp cứu trung tâm đều là sản phẩm second hand ở thập kỷ 80 thế kỷ trước, chỉ trang bị để trang trí, không sử dụng trong thực tế.
Bệnh viện mới dự định xây dựng ở đường 1 Tháng 4 mãi đến nay vẫn chưa xong thiết kế! Bao giờ mới có một bệnh viện cho ra bệnh viện để các thầy thuốc có đủ điều kiện thi thố y đức cứu người. Liệu có thể học tập tốc độ xây dựng của khu sinh thái Thuận Thảo trong xây dựng bệnh viện tỉnh mới. Bà Thuận Thảo xây dựng một cơ ngơi trên đất ruộng, vừa đổ đất san nền, vừa xây dựng một công trình đồ sộ chỉ trong 42 ngày.
Liệu ngành Y tế có thể xây xong bệnh viện trong 420 ngày (gấp mười thời gian) để thỏa nỗi mong chờ của người dân.
Dù xác định bệnh viện mới, bệnh viện hiện nay cũng cần được đầu tư chống xuống cấp ở một số khoa như khoa nhi, khoa sản và nhất là hệ thống đường liên hoàn nối với các khoa có mái che để bệnh nhân đỡ phải dãi dầu nắng mưa khi di chuyển.
Một vài nỗi buồn nêu trên không thuộc trách nhiệm của người thầy thuốc mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội và các nhà quản lý. Đầu tư một bệnh viện cho ra bệnh viện tuyến tỉnh đã được đặt ra nghiêm túc từ khi tái lập tỉnh. 17 năm qua, Nhà nước tỉnh đã đầu tư rất nhiều nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu. Một vài nỗi buồn như đã nêu trên không chỉ đè nặng tâm trí của người thầy thuốc trực tiếp điều trị mà còn là nỗi buồn chung của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và toàn xã hội. Giải tỏa nỗi buồn đó là trách nhiệm của nhà quản lý.
Nhân ngày vui 27-2, người viết bài này với tư cách người nhà bệnh nhân vào bệnh viện chăm sóc người thân hàng tháng trời xin bày tỏ sự kính trọng và tri ân sâu sắc đối với các thầy thuốc yêu quý của chúng ta. Cả về lòng tận tụy, đức độ và tay nghề.
VIỆT THÀNH