Thứ Tư, 27/11/2024 07:24 SA
Hệ lụy từ thực trạng học sinh “nghiện” game
Thứ Năm, 21/04/2011 09:00 SA

Tôi có đứa cháu đang học lớp 8 thì bỏ học giữa chừng. Tôi vừa giận vừa thương cháu, giận vì cháu ham chơi, “nghiện” game; thương vì cháu nghỉ học giữa chừng, rồi mai đây cuộc sống sẽ ra sao.

 

Tôi tức vì những lời khuyên bảo, dạy dỗ không có tác dụng, cháu hiếu kỳ, đua đòi với bạn bè mà hư hỏng; xót vì ngày sau cháu có hối hận cũng muộn rồi. Sống trong xã hội văn minh tiến bộ mà không có kiến thức để làm vốn thì rất bi kịch. Tôi mong mỏi và hy vọng cháu sớm tỉnh ngộ, nhận thức được điều hay lẽ phải, ý nghĩa của việc học hành mà trở lại với trường lớp, để rồi trở thành người có ích cho gia đình và xã hội trong tương lai. Và tôi tin chắc rằng ai cũng có cảm xúc như tôi khi con cháu mình bỏ học như thế.

 

Quê tôi, một làng nhỏ ở thôn Phú Phong, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) có một thực trạng làm nhức nhối gia đình, nhà trường và xã hội, đó là học sinh “nghiện” game, ham chơi, lêu lổng, việc học giảm sút rồi bỏ học. Nhưng “nghiện” game là vấn đề cần bàn nhất bởi những hệ lụy hết sức nghiêm trọng, cụ thể như: trốn học chơi game, dùng tiền ăn sáng để chơi game, nếu không thì dùng học phí để chơi game, nói dối cha mẹ để lấy tiền, trộm tiền của cha mẹ để thỏa “cơn nghiện” game và thậm chí là thế chấp máy tính, xe đạp… lấy tiền “nướng” vào game. Các tiệm internet gần Trường THCS Nguyễn Thị Định lúc nào khách cũng đông kín, mà phần lớn là học sinh “nghiện” game.

 

Những học sinh “nghiện” game, nghỉ học giữa chừng đang ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, ham chơi, chưa ý thức được việc mình làm, chưa hiểu ý nghĩa của việc học tập… Trong khi đó, gia đình thiếu sự quan tâm dạy dỗ, quản lý. Cha mẹ của một số em, vì kinh tế khó khăn, thường xuyên xa quê để làm thuê làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống, nên không có nhiều thời gian gần gũi, khuyên bảo con cái mình.

 

Khi học sinh thế chấp máy tính, xe đạp… lấy vài chục nghìn đồng để chơi game, những người làm dịch vụ này tuy nhận thức được việc làm sai trái của các em nhưng vì vô tâm, hám lợi nên họ vẫn “tiếp tay” cho các em cầm cố đồ dùng học tập, phương tiện đến trường… Còn các chủ tiệm internet cũng thờ ơ, vô tâm thu lợi trên sự mê muội vì game của các khách hàng bằng tuổi con cháu mình.

 

Để khắc phục tình trạng này rất cần sự phối hợp giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp để dạy dỗ, uốn nắn, quản lý các em. Về xã hội, cần có những quy định nhằm quản lý chặt chẽ và hiệu quả các điểm kinh doanh dịch vụ internet, dịch vụ cầm đồ. Các cơ quan quản lý cần coi đây là vấn nạn xã hội và có biện pháp cụ thể để giải quyết thực trạng này.

 

NGUYỄN BÁ PHÚC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek