Tháng giêng là dịp làm ăn của nhiều bầu sô ca nhạc, tạp kỹ - đa số từ TP Hồ Chí Minh - tại các tỉnh. Ăn tết xong, tại nhiều địa phương, từ phố phường đến nơi xa xôi, vùng núi của Phú Yên, xuất hiện các bandrole quảng cáo, tờ rơi màu sắc sặc sỡ thả trên đường hoặc dán trên các trụ điện, tường nhà nơi nhiều người qua lại, quảng cáo về các sô ca nhạc tạp kỹ, thường được đặt cho cái tên mỹ miều là “đại nhạc hội xuân”, với nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, danh hài nổi tiếng.
Minh họa: ĐỨC THẮNG
Cuối tuần rồi, tại xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), bầu sô P.T từ TP Hồ Chí Minh ra tổ chức sô “đại nhạc hội xuân”, với sự tham gia của ngôi sao ca nhạc C, danh hài B… Mới ra giêng, không khí tết còn vương vấn, nên có đêm diễn ca nhạc với nhiều ngôi sao, bà con nông dân, nam thanh nữ tú rủ nhau đi coi thật xôm tụ, cốt vừa để giải trí, vừa tận mặt nhìn thấy những thần tượng lâu nay chỉ xem, nghe qua băng, dĩa. Giá vé khá cao so với công lao động ở quê, 20.000 đồng cho một trẻ em, 30.000 đồng cho mỗi người lớn, nhưng vẫn có cả vạn người chen chúc nhau vào cổng, chịu đựng cảnh bụi bặm mịt trời, để coi hát.
Oái ăm là, “đại nhạc hội xuân” bị bầu sô biến thành “đợi” nhạc hội xuân, khiến khán giả bất bình, la ó rầm trời. Từ 6 - 7 giờ tối, người ta đã rủ nhau mua vé vào cổng, để rồi liên tục chịu sự “tra tấn” bằng những màn quảng cáo sô diễn, mời người bên ngoài tiếp tục mua vé vào bên trong, mời người bên trong mua dĩa nhạc, dĩa hài (đa số là dĩa lậu vì không có tem nhãn của cơ quan chức năng) với giá cao gấp đôi, gấp ba lần dĩa cùng chủng loại ở ngoài… chợ trời.
Mãi đến 9 giờ tối, “đại nhạc hội” mới bắt đầu bằng hai ca khúc của một “ca sĩ” không ai biết đến, tiếp đó là màn trình diễn võ thuật nhào lộn, tiếp đến là… chờ ca sĩ, nghệ sĩ, danh hài nổi tiếng đến. Sở dĩ phải chờ, như thông báo của một người đại diện bầu sô đến toàn thể khán giả, là vì cát sê của các ngôi sao này khá cao, nên để “thu hồi vốn”, nhà tổ chức phải mở ba “đại nhạc hội” cùng lúc ở ba nơi, ngoài Hòa Hiệp Trung còn tổ chức đồng thời ở hai điểm khác thuộc hai huyện Tây Hòa, Sông Hinh. Không riêng những ngôi sao nổi tiếng, những “ca sĩ” không ai biết của đoàn hát này cũng phải chạy sô giữa ba điểm diễn. Trong khi chờ đợi, nhà tổ chức sô diễn hoặc tiếp tục quảng cáo bán dĩa, hoặc cho nghệ sĩ nhào lộn diễn lại “bổn cũ”, hoặc năn nỉ khán giả thông cảm vì “ngôi sao bị kẹt xe”… Cứ ca hai, ba bài thì “điệp khúc chờ” tái diễn. Khán giả mệt mỏi, nhưng cũng ráng chờ, vì tiền vé đã trao cho bầu sô rồi, bỏ về vừa tiếc tiền, vừa tiếc không gặp được “thần tượng”. Lượng khách đông đến nỗi, người ta chen lấn làm sập một góc khán đài, loa, thùng lăn lông lốc, may mắn là chỉ vài khán giả bị xây xước nhẹ. Khán giả lại tiếp tục chờ vì việc dựng lại sân khấu mất khoảng 45 phút.
Rồi cuối cùng, các ngôi sao cũng tới, như lời hứa đảm bảo của bầu sô.
Tiếp đó, lại quảng cáo mời mua dĩa nhạc, lại tiếp tục màn nhào lộn cũ rích, trong khi đợi ca sĩ B đến vào giai đoạn cuối của “đợi nhạc hội”.
Khi những người khách cuối cùng rời khỏi sân bãi, con trăng giữa tháng giêng đã nằm chếch về phía tây, kim đồng hồ nhích đến con số 1 giờ sáng của ngày hôm sau. Đầu ai cũng ướt đẫm sương đêm và quện đầy bụi bặm.
Hình như ai cũng tức rực vì chờ đợi, vì màn trình diễn cẩu thả, thiếu tôn trọng khán giả của các ngôi sao và “nhà bầu”. Việc bàn luận sô diễn tiếp tục xuất hiện ở các cuộc gặp nhau vào ngày hôm sau, và hầu như ai cũng muốn chửi vài câu cho bõ tức, cho đỡ quê vì lỡ bỏ tiền đi mua… sự chờ đợi không có lợi. Ai cũng nói, không hiểu sao với kiểu tổ chức “đợi nhạc hội” như vậy mà không cơ quan chức năng nào nhắc nhở, hoặc giả địa phương nơi “nhà bầu” về đăng ký tổ chức sô diễn không yêu cầu họ đừng để người ta đợi như vậy nữa thì mới cho đến tổ chức lần sau.
Nói vậy, nhưng hầu hết khán giả bực bội đó đều biết lý do vì sao những “đại nhạc hội” vậy vẫn tồn tại. Bởi không ít người trong số họ nghĩ, đi coi hát kiểu này mệt thật, tốn tiền thật, nhưng ít ra cũng có chuyện để vui chơi thay vì mấy ngày ăn chơi mà cứ ru rú ở nhà, lại gặp được “thần tượng” bằng xương, bằng thịt chứ không phải trên sách báo, ti vi, băng dĩa. Đương nhiên, giới bầu sô cũng biết rõ khán giả của họ nghĩ như vậy, nên đến hẹn lại lên, những sô “đợi nhạc hội xuân” lại về từ nơi phố phường đến vùng xa xôi, miền núi các tỉnh.
DUY NGUYỄN