Thời chúng tôi đi học, cũng đã làm kế hoạch nhỏ. Nhớ hồi ấy, chiều chiều, sau mỗi buổi, cả lớp lại mang bao đi mót lúa. Liên đội giao chỉ tiêu mỗi đội viên thu nhặt 3kg thóc rơi vãi, đội viên nào vượt chỉ tiêu sẽ được xem xét khen thưởng.
Sau đó, khách sạn Khăn Quàng Đỏ, đoàn tàu Măng Non ra đời. Đó là thành quả của phong trào Kế hoạch nhỏ do thiếu nhi cả nước đóng góp. Mỗi lần đi học về, thấy đoàn tàu Măng Non chạy ngang qua đường sắt địa phương, chúng tôi tự hào kháo với nhau: Mỗi đứa đóng góp một… con ốc trong đoàn tàu đó!
Nhắc lại chuyện cũ để nói đến mục đích của phong trào kế hoạch nhỏ: Vừa giáo dục cho đội viên ý thức tiết kiệm như thu nhặt những thứ rơi vãi theo tinh thần “Kiến tha lâu đầy tổ”, vừa góp phần nhỏ nhoi của mình để làm giàu cho đất nước.
Gần đây, các liên đội có phát động phong trào Kế hoạch nhỏ với chỉ tiêu: Mỗi đội viên góp 1kg giấy loại. Tính về giá trị kinh tế, 1 kg giấy loại chỉ vài nghìn đồng, một số tiền quá nhỏ so với số tiền các bậc phụ huynh đầu tư cho con em mình trong một năm học. Nhưng ở đây, chúng tôi muốn bàn về cách làm.
Để có được một ki-lô-gam giấy loại, các em phải gom góp trong một thời gian dài, vì đã gọi là giấy loại thì phải là giấy không còn sử dụng được. Thế nhưng, tháng 1 phát động, đến tháng 3 thu, nhiều đội viên phải xin tiền bố mẹ, ra chợ mua báo cũ về để nộp cho đủ chỉ tiêu. Đến lớp, thầy cô giáo chủ nhiệm, cũng vì chỉ tiêu, không kiểm tra nguồn giấy đó ở đâu có. Một lần, hai lần… nhiều lần như vậy, vô tình, chúng ta bày cho các em thói xấu: thực hiện nhiệm vụ của mình là để đối phó chứ không phải vui vẻ thực hiện trách nhiệm. Bên cạnh đó, ý nghĩa đích thực của phong trào này là giáo dục ý thức tiết kiệm cũng bị lãng quên, chỉ còn lại việc chạy theo chỉ tiêu, chạy theo thành tích, lâu dần, các em cũng trở thành những con người chỉ vì thành tích mà quên đi ý thức trách nhiệm của một công dân.
Nên chăng, ngay từ đầu năm học, các liên Đội phát động phong trào này và tiến hành trong suốt cả năm bằng cách cho các em thu nhặt giấy loại ngay trong sân trường, trên đường đi… để vừa tích cóp, vừa tránh tình trạng “sân trường trắng xóa giấy bay”, trong khi học sinh phải đi mua báo cũ về nộp cho liên đội.
Một việc làm có nhiều ý nghĩa, đòi hỏi cách làm phải linh hoạt, sáng tạo và trên hết, qua việc làm đó, giáo dục được gì cho thế hệ măng non, chứ đừng vì chỉ tiêu mà làm hư các em!
THẾ DŨNG
(Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Đông Hòa)