Chủ Nhật, 06/10/2024 05:48 SA
Chọn người tài
Thứ Bảy, 21/02/2009 14:33 CH

Thân Nhân Trung đã để lại cho hậu thế một danh ngôn về chọn người tài cho đất nước. Danh ngôn ấy là: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí mạnh thì nước nhà thịnh. Nguyên khí yếu thì nước suy”. Thế mới biết người tài quan trọng như thế nào đối với đất nước.

 

Nói tới Hưng Đạo Vương, là nhắc tới tướng tài Phạm Ngũ Lão, một nông dân, khi quân Hưng Đạo đi qua, ông không tránh, mặc cho giáo đâm vào đùi. Ý chí ấy đã được Trần Hưng Đạo thấy, và trở thành danh tướng. Nhắc tới Lê Lợi, không thể không nhắc tới Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi là linh hồn của cuộc kháng chiến chống giặc nhà Minh. Nói tới Nguyễn Phúc Nguyên, phải kể ngay quân sư Đào Duy Từ. Đào Duy Từ là học trò quan Trạng Phùng Khắc Hoan. Khi đỗ đạt, Phùng Khắc Hoan đã tiến cử ông cho vua Lê, chúa Trịnh, nhưng vua và chúa đã khước từ ông, bởi một lẽ đơn giản, cho ông là loại xướng ca vô loài, không dùng.

 

Đời cứ quanh co vậy. Tiêu chuẩn của người tài chỉ gồm hai chữ: TÀI và ĐỨC. Đào Duy Từ bị từ chối vì thân phận xướng ca do cha mẹ truyền lại. Thật là oan ức cho một nhân tài. Nếu cứ tính tới thân phận như vậy, Phạm Ngũ Lão chỉ là một anh nông dân quèn. Vậy mà Trần Hưng Đạo nhìn ra người tài. Còn Nguyễn Trãi, thì cha là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt về Tàu. Nếu chỉ cần nghi ngờ Nguyễn Phi Khanh phản bội, hoặc chưa được xác định rõ ràng, Lê Lợi chỉ cần đắn đo thì làm gì có một Nguyễn Trãi làm vinh quang cho đất nước. Nếu Đào Duy Từ chấp nhận nhân thế mà xã hội cho là hèn kém, dẫu đã 59 tuổi, vẫn vượt biên vào Nam tìm chúa Nguyễn. Cái tên mới của ông đầy ý nghĩa: Hoàng Tầm! Là tìm chúa Nguyễn Hoàng.

 

Vào nam, Đào Duy Từ chấp nhận mình chỉ là một kẻ chăn trâu thuê. Nhân buổi chăn trâu về, trên mình chỉ có cái khố. Núp trong buồng nghe lỏm, bị phát hiện, các cụ kêu ra hỏi: “Chú nghe các cụ nói, chú có hiểu các cụ nói chi không?”. Từ thưa: “Các cụ đang bàn về nhà nho ạ”. Các cụ hỏi tiếp: “Chú có hiểu nhà nho là chi không?”. Được thể, Đào Duy Từ phân tích cho các cụ nghe về nhà nho quân tử: “Đã là nhà nho quân tử, khi nhìn lên trời phải hiểu rõ thiên văn, nhìn mặt đất thì hiểu địa lý, trong thế gian thì trông suốt nhân sự, ở gia đình thì trọn đạo luân thường, ra xã hội thì đủ mưu tính kế, có chí lập công danh trong đời, để sự nghiệp về mai sau, để tiếng thơm nghìn thu”. Các cụ hỏi nhà nho tiểu nhân, Từ đáp: “Kẻ tiểu nhân cơ hội, chỉ biết tìm kiếm cái mồi danh lợi, khoe khoang là người văn mặc, tự xưng là hào kiệt trong đời, chứ nào có biết nhân nghĩa của các bậc thánh hiền, có hiểu gì kinh luân của người quân tử. May được bổ làm quan thì trăm phương nghìn kế tìm chước lập công, chỉ biết mưu lợi cho mình, chèn ép kẻ dưới, vơ vét của dân, của nước, có nghĩ gì đến ích lợi cho đời”.

 

“Cuộc ra mắt” của Đào Duy Từ, và tổ chức cày cấy lập làng cho dân đầy thuyết phục, ông Phú Cao đã gả con gái cho rồi giới thiệu với quan Khám lý quận công Trần Đức Hòa. Hai tác phẩm của ông: Ngọc Long Cương VănTư Dung Vãn đã chinh phục được quận công Trần Đức Hòa.

Phục tài, Trần Đức Hòa đã tiến cử ông với chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Phúc Nguyên ra đón Đào Duy Từ mà mặc áo trắng, đi hia xanh, tay cầm long trượng, vai khoác “túi vải”, ra ngoài đứng chờ. Gặp cảnh ấy Đào Duy Từ nói với Trần Đức Hòa: “Đó là tư thế của Vương thượng lúc sắp đi chơi cùng với bọn con gái, không phải là nghi lễ tiếp khách tài hiền. Nếu lạy chào tức phạm vào tội khi quân, vì thế không dám vào lạy”.

 

Phúc Nguyên nghe vậy rất mừng, vì gặp được một người hiểu biết, dù là một lẽ sinh hoạt nhỏ nhất, chúa không tự ái, cái tự cao của kẻ hèn mọn, mà trở lại vương phủ sửa sang áo mũ, lên ngai ở công đường, sai nội giám lấy áo mũ quan văn ban cho ông, rồi mời vào sảnh đường bái yết.

 

Việc làm của Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ cũng nhận ra đạo đức của một vị chân chúa. Vị chúa ấy có đủ sức mạnh của bậc anh hào, vượt qua sự khống chế của thời đại, và quan niệm xuất thân nguồn gốc họ Đào để một lòng tồn vọng vì tài năng và đạo nghĩa.

 

Cuộc gặp gỡ giữa chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Đào Duy Từ là cuộc anh hùng tương ngộ. Và từ đó Đào Duy Từ, ngay cuộc gặp gỡ đầu đã xứng đáng là quân sư của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

 

Nếu Nguyễn Phúc Nguyên cũng chỉ cứ thấy thân phận đào kép của Đào Duy Từ như vua Lê chúa Trịnh đã nhìn, thì làm sao Nguyễn Phúc Nguyên có được một quân sư tài năng đến thế.

 

Từ xưa, chọn người tài chỉ có hai tiêu chuẩn Tài và Đức.

 

Chỉ cần Tài và Đức thôi, thì dù người đó xuất thân thế nào cũng sẽ hòa nhập ngay được vào thời cuộc và dùng tài năng, đức độ của mình đóng góp thiết thực cho xã hội. Phải thật sự ý thức được điều Thân Nhân Trung đã tổng kết, đã truyền lại cho chúng ta:

 

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia!”. Chỉ có vậy xã hội mới thịnh vượng lên được.

 

Nhà văn NGUYỄN QUANG HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek