Có thể nói, chi tiêu công là một trong những việc quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Thế nhưng, với những khoản chi công lớn, nếu không quản lý chặt dễ xảy ra thất thoát, tham ô, lãng phí.
Từ cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, nước ta gặp không ít khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Khi đa số các doanh nghiệp và người dân phải “thắt lưng buộc bụng” trong “cơn bão giá”, các nhà quản lý phải tính cách quản lý công quỹ để chi tiêu tằn tiện, thì ở không ít địa phương vẫn còn “kẽ hở” để một số tổ chức và cá nhân chi tiêu hoang phí. Nhiều công trình, dự án được cấp phép xây dựng đã vài năm, nhưng không phát huy hiệu quả. Có nơi chợ xây xong để hoang, kinh phí tiếp khách, hội họp tràn lan, rất tốn kém.
Để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, một trong những biện pháp cấp bách lúc này là cắt, giảm chi tiêu công. Trước mắt, cần tiếp tục rà soát lại các dự án đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước, loại bỏ các dự án đầu tư không hiệu quả, giãn tiến độ các dự án chưa khởi công, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu công, bớt tối đa những khoản chi không hợp lý. Có cơ chế, chính sách công khai, minh bạch các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi để ngành chức năng có thể phân biệt được đâu là chi đúng, đâu là chi sai... Bên cạnh đó, cần đổi mới họp hành, tăng giao ban trực tuyến, tiết kiệm chi tiêu hành chính, sử dụng xe công. Tuyên truyền, động viên toàn dân tiết kiệm, chi tiêu có kế hoạch, sử dụng có hiệu quả tiền của.
TRẦN MINH