Cách đây một tháng, qua báo chí, tôi biết rằng từ tháng sáu tới, sẽ có thêm một đợt tăng giá mới, diễn ra trên tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết nhất trong đời sống. Thực hư thông tin trên thế nào thì không rõ (vì nó hơi chung chung, thiếu cụ thể và hình như chưa qua kiểm chứng) nhưng rõ ràng điều này đã khiến mọi người hết sức lo lắng.
Người tiêu dùng phải vất vả chống chọi với cơn bão giá - Ảnh: M.NGUYỆT
Tuy nhiên, trên báo Phú Yên cuối tuần số ra ngày 24/5, có trích đăng ý kiến của ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định sẽ không có chuyện điều chỉnh ngay và điều chỉnh đồng loạt các mặt hàng sau tháng 6. Bởi muốn thực hiện điều này phải tiến hành theo đúng các bước đi, lộ trình đã được hoạch định trước để tránh không để thị trường rơi vào thế đột ngột, gây sốc và cũng là để tránh việc gây hoang mang, lo lắng trong dân chúng.
Đây thực sự là một tin vui cho tất cả những ai đang hồi hộp chờ đợi nhữngï biến động tiếp theo của thị trường suốt hơn một tháng qua. Rõ ràng, tuyên bố của ông Xuân đưa ra rất đúng lúc, là một cách tốt để trấn an dư luận, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đời sống người dân nói chung.
Thực tế đã chứng minh việc xăng chỉ cần lên thêm khoảng 500 đồng/lít thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng giá ào ào. Thậm chí, có nhiều loại mặt hàng mà các nhà sản xuất, hệ thống phân phối đã “mượn gió bẻ măng” đôn giá lên gấp nhiều lần so với giá trị thực của chúng (như cơn sốt gạo vừa qua). Và nếu tăng giá thêm một lần nữa thì không biết quá trình “loạn giá” sẽ diễn biến tới đâu?. Bởi hầu như gần 80% lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn Phú Yên đều phụ thuộc vào thị trường đầu nguồn như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Nên một khi giá ở những thị trường đó tăng thì tính luôn tất cả chi phí cộng thêm, giá hàng về Phú Yên sẽ càng tăng hơn nữa trong khi bình quân thu nhập chung của đa phần dân ta còn thấp. Tuy nhiên, lời khẳng định ấy cũng không làm vơi đi nỗi lo chung của mọi người bởi như ta đã biết, thị trường hoạt động theo quy luật cung cầu, hoàn toàn không phụ thuộc vào sự điều tiết giá cả của Nhà nước. Mặt khác, một khi tình hình về giá diễn biến căng thẳng, leo thang chóng mặt, Chính phủ cũng rất khó khăn trong việc sử dụng các công cụ sẵn có (thông qua các doanh nghiệp Nhà nước và các cơ quan, cấp ngành hữu trách) nhằm tác động để giảm bớt khủng hoảng vật giá. Ngoài ra, vấn đề cấp bách nhất là Nhà nước phải nhanh chóng tìm ra lời giải cho bài toán điều hành giá cả hiện nay thông qua việc xử lý hài hòa cả ba lợi ích: doanh nghiệp – nhà nước – người dân.
Trong thời gian chờ đợi hiệu quả do các biện pháp kềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả mang lại, thiết nghĩ, Nhà nước cần phải tích cực giám sát, kiểm tra sự minh bạch của các công ty, đơn vị, các nhà kinh doanh trong quản lý, phân phối sản phẩm nhằm loại bỏ hoàn toàn tư tưởng hưởng lợi ở mức giá chênh lệch gấp nhiều lần giá gốc. Đây cũng là một cách thiết thực nhằm giúp đỡ người dân chống chọi với “bão giá” đang hoành hành…
SỚM ĐƯA KỊCH BẢN ĐỐI PHÓ VỚI TĂNG GIÁ SAU THÁNG 6 “Chính phủ nên đẩy kịch bản tăng giá sau 30/6 lên sớm hơn. Phải xác định ngay ra trong nhóm 10 mặt hàng mà Chính phủ quyết định thì những mặt hàng nào liên quan đến an sinh xã hội có thể giữ, còn những mặt hàng nào đang thấp, có thể tăng”- tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này. * Đầu kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng đã báo cáo với Quốc hội gói giải pháp nỗ lực kiềm chế lạm phát. Gói giải pháp đó khi nào sẽ phát huy tác dụng? - Giải pháp mà Chính phủ đưa ra bao giờ cũng có độ trễ vì từ quyết định của Chính phủ đến việc thực thi của các cấp cần phải có thời gian. Phải có văn bản pháp quy của Chính phủ thì các cấp thực thi mới có cơ sở để có thể quyết toán khi họ thực hiện chủ trương. Quá trình ấy bao giờ cũng cần có thời gian. Nhưng theo tôi, điều quan trọng đối với chúng ta hiện nay là kịch bản sau ngày 30/6 sẽ là gì? Điều này Chính phủ chưa có hoặc có thể Chính phủ chưa trình ra Quốc hội nên đại biểu Quốc hội chưa biết. * Trong những cuộc trao đổi thường xuyên với tư cách ủy viên chuyên trách của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông đã xây dựng một kịch bản như thế nào để ứng phó kịp thời nhất? - Theo tôi thì Chính phủ nên đẩy kịch bản 30/6 lên sớm hơn, bởi vì đằng nào với tình huống như thế thì rồi chúng ta cũng phải bỏ, không giữ được giá nữa. Bây giờ chúng ta chọn theo phương án Thủ tướng đã xác định: kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội, thì chúng ta phải định ngay ra là trong nhóm 10 mặt hàng mà Chính phủ quyết định thì những mặt hàng nào liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội có thể giữ. * Nếu Chính phủ đẩy kịch bản 30/6 lên sớm quá thì liệu doanh nghiệp và người dân có sốc không? - Không sốc. Bởi vì bây giờ giá cũng đã lên rồi. Bản thân người dân cũng đã phải chịu giá cao rồi. Thà chúng ta đẩy lên đúng như giá nó đang có và chúng ta hỗ trợ người dân thông qua giá lương thực thực phẩm thì có phải là tốt hơn không. Đấy cũng là một kịch bản mà tôi đề xuất. (VNN)
NGUYỄN VĂN CHÍNH