Bà Nguyễn Thị A, trú tại xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh hỏi: Tôi đang làm việc tại một đơn vị có điều kiện lao động bình thường. Trước đây, tôi có kết hôn và sinh được một con. Sau đó, do cuộc sống gia đình không hạnh phúc nên chúng tôi đã chia tay. Sau đó, tôi tiếp tục kết hôn lần hai và sinh thêm một cháu nữa. Tuy nhiên, do bị vỡ kế hoạch nên hiện nay tôi đã sinh con thứ ba. Khi nghỉ sinh, tôi đã viết giấy xin nghỉ phép nhưng đơn vị cho biết là sinh con thứ ba không có chế độ trợ cấp thai sản. Vì thế, khi mới sinh được 1 tháng tôi phải tiếp tục đi làm. Vậy, theo quy định của pháp luật, trường hợp của tôi có được hưởng trợ cấp thai sản hay không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 01/NĐ-CP/2003 sửa đổi bổ sung Điều 10 Điều lệ Bảo hiểm xã hội và hướng dẫn tại điểm 1 Mục II Thông tư số 07/BLĐTB&XH/2003 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội: Lao động nữ có thai, sinh con (không phân biệt số lần sinh) khi nghỉ việc theo Điều 11, Điều 12 Điều lệ Bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp thai sản. Chế độ thai sản được quy định tại Mục II chương 2 Điều lệ Bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:
1- Trong thời gian làm việc được nghỉ việc để đi khám thai 3 lần, mỗi lần 1 ngày. Trường hợp bà làm việc ở xa tổ chức y tế hoặc có bệnh lý, thai không bình thường thì được nghỉ việc 2 ngày cho mỗi lần khám thai;
2- Thời gian nghỉ việc trước và sau khi sinh con là 4 tháng đối với trường hợp có điều kiện làm việc bình thường;
3- Bà có thể đi làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu đã nghỉ 60 ngày trở lên tính từ khi sinh con và phải có chứng nhận của thầy thuốc về việc trở lại làm việc sớm không có hại cho sức khỏe và phải báo cho cơ quan nơi chị làm việc biết trước 1 tuần lễ. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương, bà vẫn được hưởng trợ cấp thai sản đến hết thời gian nghỉ theo quy định;
4- Mức trợ cấp thai sản trong thời gian nghỉ theo chế độ thai sản, bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ.
Ngoài ra, khi sinh con bà còn được trợ cấp 1 lần, bằng 1 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.
Luật sư NGÔ MINH TÙNG