Ông Trần Hoàn, trú ở huyện Phú Hòa hỏi: Nguyên trước đây, cha tôi mang họ Nguyễn. Cha tôi đã chết sớm khi tôi còn nằm trong bụng mẹ. Do đó, sau khi tôi sinh ra, mẹ tôi khai sinh tôi mang họ mẹ là họ Trần. Tuy nhiên, sau khi tôi đã có vợ con, để cho con cháu biết được nguồn gốc của mình, tôi đã khai sinh cho con mang họ của cha tôi (họ nội) là họ Nguyễn. Hiện nay, tôi là thương binh, nhưng tôi và con tôi lại khác họ, thì con tôi có được hưởng chính sách ưu đãi của con thương binh hay không? Nếu phải đổi họ thì đổi như thế nào, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật dân sự, khi khai sinh, họ của trẻ sơ sinh là họ của người cha hoặc họ của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Trong trường hợp không xác định được họ của người cha, thì họ của trẻ sơ sinh là họ của người mẹ.
Thế nhưng, khi khai sinh cho con, ông đã khai sinh cho con của mình mang họ khác (không phải họ cha và mẹ) và chính quyền địa phương cũng khai sinh cho con của ông họ khác, là không phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên, về nguyên tắc họ, tên chính thức của mỗi người cần phải được ổn định, tránh sự thay đổi tùy tiện gây khó khăn cho công tác hộ tịch. Do đó, chỉ cần ông chứng minh được quan hệ cha – con là sự thật thì con ông được hưởng chính sách ưu đãi của con thương binh mà không đòi hỏi ông phải đổi họ.
Đồng thời, trường hợp này, nếu ông muốn đổi họ thì ông có thể xin đổi họ của ông sang họ cha ông hoặc họ của con ông sang họ của ông, theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định.
Về thẩm quyền giải quyết: Theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 83/NĐ-CP/1998 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi ông (con của ông) cư trú hoặc nơi ông (con của ông) đã đăng ký khai sinh là cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi họ tên. Vì vậy, ông có thể liên hệ tại Phòng Hộ tịch – Sở Tư pháp (là cơ quan tham mưu của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hộ tịch) để được xem xét, giải quyết.
Luật sư NGÔ MINH TÙNG