* Hỏi:
- Cha tôi hiện giờ sức khỏe yếu không thể tự cầm bút ký các giấy tờ nhưng nhận thức khi hỏi vẫn biết. Trong khi đó, cha tôi có 3 đời vợ: vợ cả đã ly hôn có giấy ly hôn và vẫn còn sống; vợ 2 là mẹ tôi đã mất; vợ 3 hiện nay vẫn sống tại gia đình tôi.
Hiện ngôi nhà là tài sản phát sinh khi cha mẹ tôi lấy nhau. Vợ cả có 1 người con với cha tôi và không sống cùng gia đình tôi. Vợ 3 không phát sinh tài sản vì hai người lấy nhau về chỉ để chăm sóc. Trong khi đó, nhà tôi là nhà thuê của Nhà nước nên hợp đồng thuê nhà đứng tên chủ hộ là cha tôi, và có ghi thành phần gia đình là chỉ có hai cha con tôi. Hợp đồng thuê nhà có trước khi cha tôi lấy vợ 3.
Tôi muốn hỏi nếu khu nhà tôi bị giải tỏa đền bù tái định cư thì sẽ do ai là người ký nhận tiền và nhà đền bù. Và nếu giải quyết theo ủy quyền thì tôi cần phải làm các thủ tục gì?
Nguyễn Tấn Hùng (phường 1, TP Tuy Hòa)
* Trả lời:
- Theo như những gì bạn đã chia sẻ ở trên, thì cha của bạn sức khỏe đã yếu và không thể tự mình cầm bút ký các loại giấy tờ, cũng như không thể tự mình xác lập các quan hệ theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể nói rằng cha của bạn đã mất năng lực hành vi dân sự, bởi vì cha của bạn không thể tự mình giao dịch, xác lập các quan hệ của pháp luật.
Khoản 1, Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”.
Do vậy, bạn có thể yêu cầu tòa án nơi bạn cư trú tuyên bố, cha của bạn mất năng lực hành vi dân sự theo thủ tục quy định tại Điều 319 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung 2011 quy định về đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:
“1. Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.
2. Đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 của bộ luật này.
3. Kèm theo đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
4. Kèm theo đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có chứng cứ để chứng minh người đó nghiện ma túy hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình”.
Sau khi tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, thì người đó sẽ được giám hộ.
Điều 62 Bộ luật Dân sự 2005 quy định vềngười giám hộđương nhiêncủa người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.
3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ”.
Trong trường hợp của bạn, thì vợ cả và cha bạn đã ly hôn, không còn là vợ chồng theo quy định của pháp luật, vì vậy cũng không phát sinh việc giám hộ của vợ cả đối với cha bạn.
Thứ hai, người vợ thứ ba, giữa hai người tồn tại quan hệ vợ chồng, nhưng không được pháp luật thừa nhận vì không có giấy đăng ký kết hôn, và trong sổ hộ khẩu của gia đình bạn cũng không có tên của người vợ này, vì vậy việc phát sinh quyền giám hộ của vợ thứ ba đối với cha bạn là không có căn cứ.
Thứ ba, người anh cả của bạn tuy không được đứng tên trong sổ ghi thành viên của gia đình bạn, nhưng vẫn là con cả, con chung của cha bạn và vợ thứ nhất trong thời kỳ hôn nhân, và khi ly hôn. Vì vậy, người anh cả này có quyền giám hộ đối với cha của bạn. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp này, anh cả của bạn không có điều kiện, cũng như không muốn làm người giám hộ cho cha bạn, thì bạn hoàn toàn có thể là người giám hộ cho cha của bạn.
Và người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có những quyền sau đây theo quy định của pháp luật tại Điều 68 quyền của người giám hộ.
Người giám hộ có các quyền sau đây:
“1. Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ;
2. Được thanh toán các chi phí cần thiết cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
3. Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ”.
Với những quy định trên, thì khi cha của bạn được tòa án tuyên mất năng lực hành dân sự, bạn là người giám hộ đương nhiên thì căn cứ vào quy định của pháp luật về quyền của người giám hộ, bạn có quyền xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.
Do vậy, nếu khu nhà bạn bị giải tỏa đền bù tái định cư thì bạn sẽ là người ký nhận tiền và nhà đền bù.
LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ
(Văn phòng Luật sư Phúc Luật)