Ông Trần Thanh N (phường 5, TP Tuy Hòa) hỏi: Tôi dự định mở cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Vậy theo quy định của pháp luật, tôi cần phải có những điều kiện gì để được cấp giấy phép kinh doanh và hoạt động dịch vụ này?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 37 Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/1/2006 của Chính phủ và Thông tư số 69/2006/TT-BVHTT ngày 28/8/2006 của Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thực hiện Quy chế này: Tổ chức, cá nhân kinh doanh karaoke phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 38 và các khoản 1 và 2 Điều 40 Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP và phải được Sở Văn hoá – Thông tin sở tại cấp giấy phép kinh doanh mới được hoạt động. Cụ thể là, để được cấp phép kinh doanh karaoke, chủ cơ sở karaoke phải có đủ các điều kiện sau:
1- Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học (các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong hệ thống giáo dục phổ thông), bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hoá, cơ quan hành chính Nhà nước từ 200m trở lên. Khoảng cách này tính từ cửa phòng hát karaoke đến cổng trường, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hoá, cơ quan hành chính Nhà nước. Khoảng cách này chỉ áp dụng trong các trường hợp trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hoá, cơ quan hành chính Nhà nước có trước, chủ cơ sở kinh doanh xin giấy phép kinh doanh sau.
2- Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, bảo đảm điều kiện về phòng, chống cháy nổ.
3 - Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài có thể nhìn thấy toàn bộ hoạt động trong phòng. Cửa kính không màu nếu có khung thì không được quá hai khung dọc và ba khung ngang; diện tích khung không quá 15% diện tích cửa.
4 - Không được đặt khoá, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
5 - Địa điểm hoạt đông karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề.
Hộ liền kề là hộ có tường nhà ở liền kề với tường phòng hát karaoke hoặc đất liền kề mà tường nhà ở cách tường phòng hát karaoke dưới 5m;
Hộ liền kề có quyền đồng ý cho chủ cơ sở kinh doanh karaoke trong trường hợp hộ liền kề đã ở từ trước, người kinh doanh xin giấy phép kinh doanh sau; trường hợp người kinh doanh đã được cấp giấy phép kinh doanh trước, hộ liền kề xây dựng nhà ở sau hoặc được quyền đến ở sau khi người kinh doanh đã được cấp giấy phép kinh doanh thì không cần sự đồng ý của hộ liền kề;
Văn bản đồng ý của hộ liền kề phải có xác nhận của UBND cấp xã sở tại, do người xin giấy phép kinh doanh nộp trong hồ sơ xin cấp giấy phép và có giá trị trong suốt thời gian người kinh doanh được quyền kinh doanh theo quy định trong giấy phép; trường hợp hộ liền kề không có văn bản đồng ý nhưng cũng không phản đối thì được coi là không có ý kiến và phải có văn bản xác định hộ liền kề không có ý kiến (văn bản xác định hộ liền kề không có ý kiến được hiểu là hộ liền kề không sử dụng quyền đồng ý về việc kinh doanh karaoke của chủ cơ sở kinh doanh).
6 - Phù hợp với quy hoạch về karaoke của địa phương.
Sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên và đã được Sở Văn hoá - Thông tin cấp phép, chủ cơ sở karaoke phải đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux, tương đương 1 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2, đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép, thì mới được hoạt động.
Luật sư NGÔ MINH TÙNG