Trong thực hiện bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ Phú Yên, lĩnh vực tạo việc làm cho lao động nữ ở các vùng miền núi được ngành LĐ-TB-XH và các đơn vị chức năng chú trọng. Tuy nhiên hiện nay, lao động nữ ở miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn. Bao vất vả lại nhân đôi, khi họ là phụ nữ người dân tộc thiểu số.
Dạy nghề may cho lao động nữ ở huyện miền núi - Ảnh: N.HÂN
Người phụ nữ miền núi bao đời gắn với cái rẫy. Nhận định này nghe tưởng chừng hết sức bình thường, song lại phản ánh một thực tế không lấy làm vui đối với người phụ nữ dân tộc thiểu số. Không ít người trong số họ có vai trò chủ yếu trong lao động sản xuất, kiếm thu nhập cho gia đình. Hiện nay ở miền núi Phú Yên, lao động nữ chiếm trên 50% số lao động xã hội. Số lượng nhiều nhưng chất lượng thì hạn chế. Ngày trước, vùng đất núi còn phì nhiêu, bà con nuôi bò, nuôi heo khá thuận lợi. Còn nay, nhiều chị em làm lụng vất vả hơn trước nhưng thu nhập không cao. Tuy thế, nhưng không nhiều phụ nữ dám bỏ rẫy, tìm công việc mới. Sô Hờ Điêu ở xã Cà Lúi (Sơn Hòa) cho biết: “Mình suốt ngày lo trồng sắn, trồng bắp. Nay cũng ít bò rồi, nhưng cũng chỉ bám vào đấy thôi. Không có đi xa đâu”.
Điều đáng nói hơn là phụ nữ ở đây gánh vác công việc gia đình nặng hơn nam giới. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những phụ nữ địu con đi chăn bò, đi cày đi cuốc trên nương, trong khi vẫn phải đảm đương cả công việc bếp núc ở nhà. Mặc dù hiện nay nhiều xã ở miền núi đã có trường mẫu giáo, nhưng không nhiều người gởi con. Lý do đơn giản là vì trường chỉ nhận các cháu 1 buổi, còn họ thì phải đi rẫy cả ngày. Khi đề cập đến vấn đề này, Mí Nhon ở xã Ea Bá (Sông Hinh), bày tỏ: “Nỗi khổ lớn nhất của phụ nữ chúng tôi ở đây là phải địu con lên rẫy. Có người còn phải dẫn đứa lớn theo mà giữ đứa nhỏ, để mẹ làm”.
Đáng mừng là hiện nay đời sống kinh tế - xã hội ở miền núi được cải thiện nhiều. Nhiều hộ gia đình đã có xe máy, song thói quen đi rẫy từ sáng sớm đến chiều mới về của người dân vẫn còn. Chính từ đó, chuyện địu con theo đi làm của chị em là điều đương nhiên. Y Sách, Chủ tịch UBND xã Ea Bá, cho biết: “Cũng do nhận thức của bà con mình. Chứ gởi con ở trường, thầy cô dạy là tốt nhất. Người lớn có thời gian hơn để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Mình cũng vận động nhiều, nhưng cũng còn một số bà con chưa nghe theo”.
Khó khăn lại càng khó khăn khi hiện nay chuyện phụ nữ có nhiều con gần như là đặc trưng của phụ nữ người dân tộc thiểu số. Trong vài năm gần đây, công tác dân số ở miền núi có nhiều khởi sắc nhưng tỉ lệ người sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao so với các nơi trong tỉnh. Thực tế cho thấy, chị em nhận ra rằng sinh đẻ nhiều, họ mất nhiều cơ hội để sống khỏe và làm việc đạt chất lượng. Chị Hờ Thị Linh, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phước Tân (Sơn Hòa) cho biết: “Một số chị em cứ nghĩ đẻ thoải mái, nhất là những người đã sinh 2 con trai, cũng đẻ nữa để tìm con gái.
HOÀNG THY