Hiện nay, đa số người dân đều hiểu và chấp hành đúng quy định về sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thế nhưng, để mũ bảo hiểm có thể “bảo hiểm” cho người sử dụng thì cần phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng cũng như phải xuất phát từ nhận thức đúng đắn của người dùng.
Mũ bảo hiểm nhẹ, thời trang vẫn được khách hàng trẻ tuổi lựa chọn - Ảnh: T.HÀ
NHÌN NHẬN ĐÚNG VỀ MŨ BẢO HIỂM
Đi một vòng từ các con phố lớn ở thành phố đến ven quốc lộ 1, mọi người đều dễ nhận thấy việc buôn bán mũ bảo hiểm đã trở nên rất phổ biến. Mũ bảo hiểm không chỉ nhiều về số lượng mà còn đa dạng về mẫu mã và giá cả cũng rất phong phú. Có thời gian, trên thị trường rộ lên loại mũ bảo hiểm thời trang, nhẹ, kiểu dáng đẹp, giá chỉ từ 25.000 đến 40.000 đồng/mũ, được nhiều người trẻ ưa chuộng. Loại mũ này được các cơ quan chức năng đánh giá chỉ là mũ thời trang và khuyến cáo người dân không nên sử dụng.
Vừa qua, các bộ KH-CN, Công thương, Công an và GTVT đã ban hành thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện. Theo đó, ngoài việc đưa ra những quy định trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, thông tư còn yêu cầu người điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp điện phải sử dụng mũ bảo hiểm hợp quy, đạt chuẩn về chất lượng theo quy định của pháp luật. Khi thông tư này có hiệu lực (15/5/2013), nhận thức của nhiều người dân bắt đầu có sự chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân sử dụng mũ không đạt chuẩn để đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông.
Chị Ngọc, chủ cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm Đ.Q trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) chỉ vào gian hàng mũ nói: “Chúng tôi vẫn nhập về những sản phẩm hợp quy để bán cho khách hàng nhưng có một thực tế: mũ bảo hiểm chất lượng cao lại thường nặng hơn mũ thông thường và không được khách hàng ưa chuộng. Thành ra có vài loại mũ đắt tiền nhưng rất ít người mua. Người tiêu dùng hiện nay thích những chiếc mũ nhẹ, kiểu dáng thon gọn, hợp thời trang”. Còn chị Lưu Thị Thanh, ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa thì chia sẻ: “Tôi là người buôn bán, cả ngày ở ngoài đường nên mũ bảo hiểm phải luôn có trên đầu. Vì phải sử dụng mũ bảo hiểm thường xuyên nên khi chọn mua mũ tôi chỉ hướng đến các loại mũ nhẹ, đội vào dễ chịu. Còn việc mũ có “bảo hiểm” được người khi lưu thông trên đường hay không tôi không quan tâm lắm. Quan trọng là mình đi đứng cho cẩn thận, chứ khi có sự cố xảy ra thì có mũ bảo hiểm đi nữa cũng không thể nói là an toàn”.
Chính vì xu thế chọn mũ nhẹ, thời trang của khách hàng mà nhiều cơ sở kinh doanh phải nhập về các sản phẩm nhiều khi không đảm bảo tiêu chuẩn. Tháng 4/2013, Đoàn thanh tra liên ngành do Sở KH-CN chủ trì đã tiến hành thanh tra chất lượng mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đoàn tiến hành lấy 7 mẫu đưa đi kiểm định thì có đến 3 mẫu không đạt chất lượng. Như vậy, người sử dụng có thể đặt ra câu hỏi: với tỉ lệ mũ bảo hiểm chưa đạt chất lượng ở mức cao như vậy thì liệu có bao nhiêu người sử dụng mũ bảo hiểm được “bảo hiểm” khi lưu thông trên đường?
HƯỚNG VIỆC KINH DOANH ĐI VÀO NỀ NẾP
Để quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng các sản phẩm mũ bảo hiểm đang lưu thông trên thị trường, sau khi có kết quả thanh tra, Sở KH-CN đã tiến hành thu hồi, tiêu hủy các lô hàng mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, đồng thời xử phạt các cơ sở vi phạm.
Ông Trần Văn Nho, Chánh Thanh tra Sở KH-CN Phú Yên, cho biết: “Chúng tôi tiến hành thanh tra và đã công bố kết quả cho giới truyền thông. Chúng tôi đang cố gắng đưa việc kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp. Nếu chúng tôi phát hiện cơ sở kinh doanh nào vi phạm, sẽ tiến hành xử lý triệt để, đúng theo quy định pháp luật. Thời gian tới, Sở KH-CN kiến nghị với Bộ KH-CN cần tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn nữa về chất lượng mũ bảo hiểm đối với các cơ sở sản xuất trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng đối với các đơn vị vi phạm”.
Các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm có vi phạm trong đợt thanh tra vừa qua cho biết sẽ dừng việc nhập về các nhãn hiệu không đủ tiêu chuẩn, đồng thời yêu cầu nhà sản xuất phải tuân thủ theo những cam kết ban đầu với cơ sở kinh doanh về chất lượng mũ bảo hiểm. Chị Thảo, chủ hiệu buôn N.T trên đường Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa cho biết: “Chúng tôi nhập hàng về với đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Bên nhà sản xuất cũng cam kết các sản phẩm này là hợp chuẩn, hợp quy nên chúng tôi yên tâm bán cho khách hàng. Khi đoàn kiểm tra phát hiện ra có mẫu không đúng quy định, chúng tôi đã liên hệ với nhà sản xuất thông báo, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất phải có hướng khắc phục. Nếu không, chúng tôi sẽ không lấy các mặt hàng này nữa. Cơ sở kinh doanh của tôi trước giờ vẫn bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nên khi mũ không đạt chuẩn như cam kết, chính nhà sản xuất là người chịu trách nhiệm”.
Để mũ bảo hiểm chất lượng có thể lưu thông trên thị trường, cần có sự chung tay quản lý của các cấp, các ngành chức năng ngay từ khâu sản xuất. Và quan trọng hơn, người sử dụng cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của mũ bảo hiểm cũng như cần trang bị đầy đủ những thông tin cần thiết để có thể lựa chọn được những sản phẩm mũ bảo hiểm đạt chất lượng. Khi ý thức của người sử dụng đúng đắn, mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường.
THÁI HÀ