Điều quan trọng nhất trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là giúp người phụ nữ chủ động tìm hiểu nhằm nắm rõ nguy cơ lây nhiễm và đường lây truyền HIV. Qua đó, họ sẽ biết cách tự phòng bệnh cho mình và tránh lây nhiễm HIV cho con.
Dự phòng sớm để tránh lây nhiễm HIV cho cha, mẹ sẽ giúp tránh lây truyền HIV sang thai nhi và trẻ sơ sinh, đồng thời còn giúp đạt được mục tiêu phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng nói chung. Việc dự phòng lây truyền HIV hiện vẫn thường tập trung vào phụ nữ mang thai và giai đoạn cho con bú, đặc biệt ở những vùng có tỉ lệ lây nhiễm HIV cao. Tuy nhiên, muốn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả cần phải tiến hành các hoạt động dự phòng sớm, hướng vào tất cả những phụ nữ có nguy cơ và chồng/bạn tình của họ. Ngoài ra, cũng cần dự phòng lây truyền HIV trong tương lai cho những phụ nữ đã được chẩn đoán tình trạng HIV âm tính tại các cơ sở chăm sóc trước sinh.
Phòng mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ
Để tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV, cần tập trung vào cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho tất cả những phụ nữ đã nhiễm HIV để họ quyết định đời sống sinh sản trong tương lai của họ. Cung cấp các dịch vụ tránh thai cho phụ nữ nhiễm HIV để tránh mang thai ngoài ý muốn. Phụ nữ biết mình nhiễm HIV thì không nên mang thai và áp dụng các biện pháp tránh thai, tốt nhất là dùng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục. Đối với phụ nữ nhiễm HIV đã mang thai thì nên tiếp cận dịch vụ tư vấn sớm để quyết định phá thai hay giữ thai.
Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Với những phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cần có gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm các dịch vụ chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) cho người phụ nữ đó khi mang thai và con của họ sau khi sinh; thực hành sản khoa an toàn; tư vấn và hỗ trợ phụ nữ nhiễm HIV mang thai và các lựa chọn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Cụ thể: cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho phụ nữ mang thai. Nếu phụ nữ nhiễm HIV vẫn muốn mang thai thì cần được tư vấn và được khám thai hàng tháng ở các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; uống thuốc kháng virus để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo phác đồ của Bộ Y tế; cung cấp các biện pháp chăm sóc và dự phòng thích hợp trong quá trình chuyển dạ, sinh đẻ như đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ, hạn chế các can thiệp gây chảy máu (cắt tầng sinh môn), chỉ mổ lấy thai khi có chỉ định của sản khoa.
Chăm sóc và hỗ trợ sau sinh
Ở giai đoạn này, việc chăm sóc và hỗ trợ cần được lồng ghép vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em hiện có để nâng cao chất lượng các dịch vụ này. Người mẹ cần được tư vấn về cách nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Nếu người mẹ quyết định nuôi con bằng sữa mẹ thì không được dùng thêm thức ăn thay thế và cai sữa càng sớm càng tốt trong vòng 4 tháng tuổi. Trường hợp người mẹ quyết định nuôi con bằng thức ăn thay thế thì phải nuôi con hoàn toàn bằng thức ăn thay thế, biết cách pha sữa, vệ sinh dụng cụ pha...
Trẻ sau khi sinh cần tiếp tục được theo dõi và xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm HIV, dự phòng các nhiễm trùng cơ hội. Người mẹ sau khi sinh cần được tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại một cơ sở y tế để xem xét chỉ định điều trị thuốc kháng virus (ARV) hoặc nhiễm trùng cơ hội khi có chỉ định.
Khi áp dụng các biện pháp sinh đẻ và chăm sóc thích hợp, dùng thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo đúng hướng dẫn sẽ giảm đáng kể tỉ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ (từ 30% khi chưa được can thiệp xuống còn khoảng 5%).
(Cục Phòng chống HIV/AIDS)