Thứ Hai, 07/10/2024 11:29 SA
Tiêm phòng, loại trừ bệnh dại cho súc vật
Thứ Bảy, 08/06/2013 15:00 CH

Hiện đang vào mùa nắng nóng, nhiệt độ ngày một tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh dại phát triển và lây lan mạnh trên đàn vật nuôi, có nguy cơ lây sang người. Ngành thú y cùng các địa phương trong tỉnh đang triển khai công tác tiêm phòng để khống chế dịch bệnh nguy hiểm này.

 

dai-cho130608.jpg

Người dân đưa vật nuôi tiêm vắc xin ngừa bệnh dại tại Trạm Thú y TP Tuy Hòa - Ảnh: T.HƯƠNG

Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, lây nhiễm trên đàn vật nuôi. Để chủ động trong công tác phòng chống và từng bước loại trừ bệnh dại trên đàn vật nuôi, tránh lây nhiễm sang người, từ những tháng đầu mùa khô năm nay, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo cho các Trạm Thú y địa phương lên kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân khai báo và chủ động đưa vật nuôi đi tiêm phòng bệnh dại. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Trạm Thú y huyện Phú Hòa cho biết: Vừa qua Trạm Thú y huyện đã tham mưu cho UBND huyện Phú Hòa ra thông báo tiêm phòng bệnh dại chó, mèo để kịp thời triển khai về các xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng cho hơn 800 con chó và đang tiếp tục thực hiện việc tiêm phòng. Ngoài những nỗ lực của Trạm Thú y, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng rất tích cực tham gia tuyên truyền vận động bà con tiêm phòng cho vật nuôi. Đồng thời, thông tin về việc đến kỳ tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi cũng được đài Phát thanh của huyện tuyên truyền thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân. Bà Nguyễn Thị Út ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa) cho biết: Nhà tôi có nuôi 3 con chó, thời gian gần đây trên đài phát thanh có thông báo về việc tiêm phòng vì vậy tôi đã đến xã để đăng ký với thú y xã tiêm phòng vắc xin cho chúng.

 

Nhằm nâng cao hiệu quả, tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại trên vật nuôi, trong đợt này, tại mỗi xã, phường, thị trấn đều thành lập tổ tiêm phòng vắc xin dại, mỗi tổ có một thú y viên chịu trách nhiệm tiêm thuốc. Các tổ tiêm phòng này trực tiếp đến từng hộ dân để thực hiện tiêm vắc xin dại cho vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Trạm Thú y TP Tuy Hòa cho biết:

 

Trên địa bàn TP Tuy Hòa, hầu hết các gia đình đều thực hiện việc nuôi nhốt chó, mèo nên việc tiêm phòng được thuận lợi hơn. Đặc biệt, phương án tổ chức tiêm vắc xin trực tiếp tại từng hộ gia đình đã góp phần nâng cao tỉ lệ tiêm phòng. Tính đến nay, Trạm Thú y thành phố đã tiêm vắc xin dại cho hơn 1.600 con chó.

 

Bên cạnh những nỗ lực của các địa phương và ngành thú y, hiện tại ở một số vùng nông thôn, ý thức chấp hành của người dân vẫn còn chưa cao, gây nhiều khó khăn trong công tác tiêm phòng. Theo Trạm Thú y huyện Sông Hinh, hầu hết súc vật nuôi trên địa bàn huyện là chó, được nuôi thả rông, trong khi đó chủ nuôi chưa có ý thức trong việc thực hiện tiêm phòng nên khi các tổ tiêm phòng đến tận nhà để tiêm thì không tiêm được vì vật nuôi không có nhà, hoặc chủ nuôi không nhiệt tình bắt giữ lại để tiêm.

 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để phòng bệnh dại cho vật nuôi là tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho vật nuôi đầy đủ, đúng chu kỳ; không thả rông chó, mèo, khi đưa ra đường phải có rọ bao mồm, có xích và có người quản lý. Hiện toàn tỉnh đã tiêm phòng được khoảng 7.800 con chó, mèo, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP Tuy Hòa, huyện Tuy An, Đông Hòa.

 

THỦY TIÊN - ANH NGỌC

 

Một số triệu chứng của súc vật mắc bệnh dại và cách xử lý khi bị súc vật cắn:

 

* Triệu chứng của súc vật mắc bệnh dại có 2 dạng: Thể điên cuồng và thể bại liệt. Ở thể điên cuồng, thời gian ủ bệnh từ 20-60 ngày, con vật bị dại sẽ có những biểu hiện bất thường như: ngứa ngáy, hay liếm, bỏ ăn, ăn gạch, đá, cây, sắt... đứng nằm không yên, chạy rông và cắn bất cứ thứ gì gặp phải. Sau giai đoạn kích thích sẽ xuất hiện giai đoạn bại liệt, tiếng sủa khàn, tru từng cơn dài, thở khò khè, chảy nhiều nước bọt, lưỡi thè ra không cử động được. Ở thể bại liệt thì chó không sủa, có biểu hiện bại liệt sớm (xuất hiện đầu tiên 2 chân sau, kế đến 2 chân trước), sau đó đến liệt phần gáy, đầu, hàm dưới, lưỡi thè ra chảy nhiều nước bọt và chó sẽ chết sau 3 đến 4 ngày. Bệnh dại ở mèo cũng tiến triển như chó, hay núp mình vào chỗ vắng, hay kêu, bồn chồn như khi động đực. Khi người chạm vào, nó thường cắn mạnh tạo vết thương sâu.

 

* Khi đã bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, cào hoặc liếm vào vết thương, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng vi rút dại phát tán càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Đối với súc vật cắn người thì phải nhốt riêng, không cho tiếp xúc với người và súc vật khác; theo dõi triệu chứng lâm sàng trong vòng 10-15 ngày.

(Theo Cục Thú y)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek