Thứ Sáu, 11/10/2024 23:25 CH
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ đạt gần 77% kế hoạch
Thứ Hai, 25/03/2013 08:00 SA

Theo Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn đạt được 3 mục tiêu quan trọng, đó là 75% lao động sau khi học nghề có việc làm, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 31%, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội với chỉ tiêu mỗi năm giảm từ 2% đến 2,5% số hộ nghèo.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề lao động nông thôn vẫn còn nhiều bất cập. Theo đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Yên từ năm 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, bình quân mỗi năm tỉnh phải đào tạo nghề cho 10.400 lao động, trong đó học nghề nông nghiệp 4.160 người, chiếm 40%. Đối chiếu chỉ tiêu trên với thực tế thì Phú Yên thực hiện chưa tốt.

Thống kê cho thấy, tổng số lao động trong tỉnh được đào tạo trong 2 năm qua chỉ đạt gần 77% chỉ tiêu. Đáng chú ý, số lao động đào tạo dài hạn đều học nghề phi nông nghiệp, như vậy số lao động học nghề nông nghiệp nằm trong diện đào tạo ngắn hạn không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2011, toàn tỉnh chỉ đào tạo 2.782 lao động ngắn hạn, trong đó 715 lao động học nghề nông nghiệp. Năm 2012, trong số 7.579 lao động đào tạo ngắn hạn, chỉ có 3.906 lao động được học nghề nông nghiệp, nghĩa là chỉ đạt gần 94% mục tiêu đề ra (4.160 lao động).

Một trong những nguyên nhân chính là ngành LĐ-TB-XH cũng như chính quyền các địa phương chưa thật sự chú trọng đến công tác này, hầu như “khoán trắng” cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện tự lo, trong khi lực lượng cán bộ ở các trung tâm còn thiếu và yếu về nghiệp vụ. Toàn tỉnh có 17 cơ sở dạy nghề, trong đó 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện là những đơn vị nòng cốt trong đào tạo nghề nông nghiệp, nhưng thiếu giáo viên có trình độ chuyên ngành cũng như cán bộ quản lý giỏi, dẫn đến việc tuyển sinh còn thụ động, chủ yếu do đối tượng có nhu cầu học nghề tự tìm đến.

Theo Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm kinh phí để triển khai đề án này gần 73 tỉ đồng. Như vậy, trong 2 năm qua, kinh phí để thực hiện đề án này gần 146 tỉ đồng, nhưng trên thực tế chỉ bố trí được hơn 20 tỉ đồng.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Phú Yên đề ra giải pháp: Ngoài việc tỉnh bố trí ngân sách hàng năm theo mục tiêu, các huyện cần bố trí ngân sách để thực hiện công tác dạy nghề, chủ động khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn cũng như nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, qua đó có biện pháp tuyên truyền, tư vấn học nghề và giúp người lao động chọn nghề phù hợp với khả năng, với nhu cầu xã hội. Tỉnh kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Dạy nghề thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; nâng mức hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho tất cả lao động tham gia học nghề.

(TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek