Thứ Bảy, 12/10/2024 23:34 CH
Những bà mẹ giàu nghị lực
Thứ Sáu, 08/03/2013 14:30 CH

Hai người phụ nữ xuất thân khác nhau, cuộc sống khác nhau nhưng có một điểm chung: chồng mất sớm vì tai nạn giao thông, để lại những đứa con thơ dại. Vượt qua nỗi đau, hai người mẹ ấy đã sống đầy nghị lực để nuôi con khôn lớn thành tài.

 

1. Bà Ngô Thị Lan (60 tuổi), chủ tiệm thuốc bắc Nam Quang trên đường Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) có gương mặt hiền lành, phúc hậu. Bà kể về cuộc đời mình bằng những giọt nước mắt xen lẫn buồn vui. Buồn cho một kiếp người phải trải qua nhiều cơ cực. Vui vì sau những ngày đen tối ấy, bà lại tìm thấy niềm hạnh phúc bên các con đã trưởng thành, các cháu ngoan ngoãn và khỏe mạnh.

 

ba-lan130308.jpg

Bà Lan và cháu nội - Ảnh: CTV

Vợ chồng bà Lan sinh được 5 người con, mua được căn nhà trên đường Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa). “Ăn nên làm ra nên tôi bàn với chồng mua một chiếc xe tải nhỏ để đi buôn bán. Vì chồng có nghề thuốc nên tôi đi theo xe buôn bán hàng hóa. Thấy đi xe vất vả, ông bảo tôi ở nhà, để ông đi cho. Nhưng ông đi chỉ được một năm thì bị tai nạn giao thông rồi mất. Đó là năm 1996, khi thằng con lớn đang thi đại học” bà Lan nhớ lại.

 

Chồng mất, bà Lan tiếp tục bán thuốc để có tiền nuôi con. Người phụ nữ nhan sắc một thời không còn nghĩ gì cho bản thân mình mà chỉ chuyên tâm làm việc và dạy dỗ con cái. Tuy có nghề nghiệp, nhưng một nách 5 con, bà Lan gặp rất nhiều cơ cực; nhất là những khi nhà túng thiếu, con đau ốm, một mình bà chạy vạy lo toan mà không có ai bên cạnh. Bà Lan nói: “Hồi đó tôi sụt còn 40kg, đang đứng bán thuốc mà xỉu lúc nào không hay. Bà ngoại mấy đứa nhỏ thấy tôi gục mặt trên bàn thuốc lâu quá, không biết đang làm gì, lại xem thì thấy đã xỉu từ lúc nào. Lúc này 3 đứa con lớn đã vào TP Hồ Chí Minh học đại học, nhà chỉ còn hai đứa nhỏ. Tiền bạc cần nhiều mà công việc làm ăn ngày càng khó khăn, lượng khách cứ vơi dần”.

 

Từ việc phải thuê mướn nhiều người làm công, bà Lan thuê ít dần rồi cuối cùng tự mình làm lấy. Tuy sống trong đau buồn, lo lắng nhưng bà không quên mình vẫn là chỗ dựa cho các con. Không phụ công dạy dỗ của mẹ, các con của bà Lan đều chăm ngoan và học giỏi. Người con trai lớn Nguyễn Đức Vinh, học Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và đã hoàn tất chương trình cao học. Con trai thứ 2 Nguyễn Đức Phúc, tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Con gái Nguyễn Thị Mỹ Hạnh tốt nghiệp Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Hai người con nhỏ là Nguyễn Đức Phong, Nguyễn Đức Phú cũng đã tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng. Tất cả những người con của bà Lan đã có gia đình riêng, có công việc ổn định. Bà Lan xem đây là điều may mắn và hạnh phúc nhất đối với mình, bởi trải qua nhiều gian lao khó nhọc, bà cũng đã dìu dắt các con bước từng bước vững vàng qua những khó khăn.

 

2. Bà Đào Thị Bạch Yến (58 tuổi) ở TP Tuy Hòa, chồng mất khi bà còn rất trẻ. Thân cò lặn lội, bà Yến bôn ba buôn bán khắp trong Nam ngoài Bắc để có tiền lo cho con. Nhưng thương trường như chiến trường, chứa đựng nhiều may rủi. Những lúc không may, bà về nhà vẫn cười tươi vì sợ các con biết sẽ xao nhãng việc học hành. Người mẹ ấy cứ thầm lặng đi qua những cơ cực, hy sinh hạnh phúc riêng tư để bảo bọc cho các con đến lúc trưởng thành.

 

ba-yen130308.jpg

Bà Yến với nụ cười viên mãn - Ảnh: T.HÀ

Năm bà Yến 33 tuổi, chồng mất trong một vụ tai nạn giao thông để lại bà 4 đứa con nheo nhóc, trong đó đứa lớn nhất chỉ mới học lớp 6, đứa bé nhất vẫn còn ẵm trên tay. Tiền bạc thiếu thốn, bà Yến phải xoay vòng trong đau thương và túng quẫn. Vừa lo cho chồng, vừa phải lo cho con nhưng bà Yến đã không quỵ ngã trong những ngày đen tối đó.

 

Thời gian đầu sau khi chồng mất, bà Yến loay hoay làm đủ nghề. Chiếc xe tải nhỏ chồng bà để lại, sau tai nạn cũng bị hư hỏng, bán đi chỉ mua được một chiếc xe máy cũ làm phương tiện buôn bán và chở các con đi học. Thấy nhà thiếu hụt quá, bà Yến bắt đầu buôn bán xa. Sau năm 1975, đang còn thời kỳ kinh tế tập thể, việc buôn bán rất khó khăn nhưng bà đã là một người phụ nữ mạnh mẽ trên thương trường. Bà Yến đi vào Bến Tre mua dừa, qua Mộc Hóa (Long An), Cái Bè (Tiền Giang) mua gạo, mang ra Hà Nội, Nam Định, Móng Cái (Quảng Ninh) bán rồi mua xi măng ở Thanh Hóa mang về Phú Yên. Bà Yến chia sẻ: “Công việc buôn bán lúc đó lời nhiều mà lọc lừa cũng lắm. Tôi còn nhớ lúc mình chở xe gạo

 mười mấy tấn ra Hà Nội, loay hoay một ngày mà không ai hỏi mua. Đến chiều, có vài người tới hỏi, tôi mừng quýnh. Họ bảo xếp gạo vào kho rồi sáng mai tới họ thanh toán tiền. Sáng mai tới nơi mới biết: trong đêm, họ đã thuê người bốc gạo đi rồi. Tiền của mình họ không trả. Như vậy là mất trắng.

 

Vượt qua khó khăn trong những lần làm ăn thất bại, vượt qua những ngày con ốm đau bệnh tật, vượt qua những khát khao đời thường và quên đi hạnh phúc riêng tư khi tuổi đời còn rất trẻ. Giờ, bà Yến có 4 người con đều thành đạt. Người con trai lớn Huỳnh Minh Đạo đang định cư ở Mỹ, cô con gái lớn là thạc sĩ Huỳnh Đào Diễm Uyên lấy chồng và định cư ở Singapore; cô con gái nhỏ là thạc sĩ Huỳnh Đào Diễm Trâm và cậu con trai út là kỹ sư Công nghệ thông tin Huỳnh Minh Đại đều làm việc ở Sài Gòn.

 

Nói về mẹ của mình, ánh mắt chị Diễm Trâm ánh lên sự tự hào, lòng biết ơn sâu sắc: “Mẹ đã hy sinh quá nhiều cho chị em tôi. Tôi muốn những ngày tháng tuổi già của mẹ được khỏe mạnh, ngập tràn hạnh phúc”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek