Những phụ nữ lớn tuổi ở Xuân Lãnh vẫn gắn bó với khung dệt - Ảnh: N.DUNG |
Lần đầu tiên trong đời, những người phụ nữ vốn gắn bó với khung dệt qua 50 mùa rẫy được mời làm... cô giáo. “Ông Tánh bảo tôi chỉ cách dệt vải cho tụi trẻ trong buôn. Cứ tưởng bây giờ lớp trẻ không còn thích học nghề truyền thống của ông cha. Vậy mà có đến 40 đứa, con gái có, địu con có, nói sẽ là học trò của tôi. Nghe chúng nói vậy, tôi thấy vui lắm!”, bà La Lan Thị Bợ, một “cô giáo” ở buôn Hà Rai phấn khởi nói.
“VUI CÁI BỤNG LẮM!”
Ông La Chí Thái, ở buôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) rít một hơi thuốc dài, rồi nói trong làn khói: “Ngày trước, hầu như trong nhà người Ba Na nào cũng có khung dệt. Các cô gái khi lớn lên đều được mẹ bày cho cách dệt vải. Bộ váy áo thổ cẩm được xem như là của cải của người mẹ cho con gái đi lấy chồng. Nhưng những năm gần đây không còn mấy người biết dệt”. Nghề dệt vải của Xí Thoại và Hà Rai cũng sẽ mai một, nếu như trong hai năm vừa qua huyện Đồng Xuân không mở lớp dạy nghề để giữ gìn nghề truyền thống. Ông Thái cho biết: “Từ khi trung tâm dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề thổ cẩm, bà con ở đây cũng thấy vui trong bụng lắm. Như vậy là nghề dệt vải ở buôn Xí Thoại và buôn Hà Rai sống lại rồi”. Ông Đỗ Đức Tánh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Xuân, bày tỏ: “Trong những lần tiếp xúc với bà con dân tộc thiểu số, tôi biết nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hoá truyền thống của họ. Nhưng nếu mình không nghĩ cách giúp bà con khôi phục nghề này thì nó sẽ lụi tàn”.
Lần đầu tiên trong đời, những người phụ nữ gắn bó với khung dệt qua 50 mùa rẫy được mời làm... “cô giáo”. “Ông Tánh bảo tôi chỉ cách dệt vải cho tụi nhỏ trong buôn. Cứ tưởng bây giờ lớp trẻ không còn thích học nghề truyền thống, vậy mà có đến 40 đứa, con gái có, địu con có, nói sẽ là học trò của tôi. Nghe chúng nói vậy, tôi thấy vui lắm!” - La Lan Thị Bợ, một “cô giáo” ở buôn Hà Rai hồ hởi kể lại. Còn La Lan Thị Minh “cô giáo”ở Xí Thoại thì tươi cười: “Thấy nhiều đứa trong buôn ham học, tôi chỉ cho chúng mà quên cả giờ giấc”.
Không chỉ riêng cô giáo mà các “học trò” ở đây cũng rất phấn khởi. La Lan Thị Kẽm, người có kiểu gầy dựng hoa văn đẹp nhất lớp, thổ lộ: “Lâu nay chỉ biết đứng xem các mí, các bà trong buôn dệt vải. Nhưng từ khi học lớp truyền nghề này, mình đã biết gầy dựng hoa văn, biết dệt bộ váy áo cho mình và cho con gái rồi”. Mí Hương, một “học trò” khác bộc bạch: “Mình cố gắng học, để sau này bày lại cho mấy đứa con, mấy đứa cháu nữa”.
Ngồi dưới chân nhà sàn nhìn đôi tay con gái lướt thoăn thoắt trên khung dệt, gương mặt đầy những nếp nhăn của mí Nga rạng ngời niềm vui. Với mí Nga không có gì vui hơn việc con gái mí bây giờ đã biết cách dệt vải. Ngày trước, mẹ mí khổ quá không có điều kiện chỉ cho mí, nếu không có lớp học này thì những gia đình nghèo như mí làm sao biết được nghề truyền thống của dân tộc mình.
SẼ HÌNH THÀNH LÀNG NGHỀ
Hiện đã có trên 75% gia đình người dân tộc thiểu số Ba Na ở Xuân Lãnh có khung dệt, nên đến những dịp lễ hội không phải đi mượn các buôn làng khác. “Bà con bảo là sẽ tiếp tục dạy cho các cháu gái trong buôn biết nghề khi chúng còn nhỏ, để chúng khỏi quên mất nét văn hóa độc đáo này. Chúng tôi muốn bà con tự hào về nghề truyền thống của dân tộc mình, từ đó ý thức việc giữ gìn và phát huy nó, không để mai một như lâu nay nữa”- ông Đỗ Đức Tánh cho biết.
Một phụ nữ có kinh nghiệm dệt thổ cẩm ở Xuân Lãnh đang truyền nghề cho lớp trẻ – Ảnh: NGỌC DUNG |
Ngày trước để nhuộm, dệt một bộ váy áo phải mất 3 tháng trời. Giờ thì chỉ cần 2 tháng. Một bộ váy áo được bán với giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Với mức sống của bà con dân tộc thiểu số hiện nay thì được xem là có thu nhập khá.
Kể từ ngày nghề này được khôi phục ở buôn Xí Thoại và buôn Hà Rai, một số bà con đã bán thổ cẩm cho khách ở TP Tuy Hòa và một số nơi trong và ngoài tỉnh thường đến đây. Tuy số lượng không lớn nhưng cũng đã mở ra một hướng đi cho nghề truyền thống này. Qua thăm dò thị trường cho mặt hàng, có công ty bước đầu đã đồng ý sẽ mua thổ cẩm cho bà con. Tuy nhiên, họ chỉ mua số lượng lớn và ổn định. Nếu phong trào dệt thổ cẩm ở những làng dân tộc thiểu số khác tại miền núi Phú Yên được khôi phục, thì không lo gì chuyện thiếu số lượng. Một khó khăn là sản phẩm của bà con làm ra mẫu mã còn đơn điệu, chưa đa dạng nên cần phải tìm cho họ nhiều mẫu khác. Hỡn nữa, kinh phí để bà con mua sợi len, chỉ màu cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Hồ Nam Khánh, Chủ tịch xã Xuân Lãnh nói:Một mình chúng tôi không thể thực hiện được, nhưng nếu các cơ quan chức năng ủng hộ và sẵn lòng vì bà con thì những khó khăn đó sẽ được giải quyết. Nhiều bà con dân tộc thiểu số sẽ có công ăn việc làm thường xuyên. Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần, các làng nghề dệt thổ cẩm sẽ xuất hiện và phát triển mạnh, bà con không còn phải lo lắng nghề truyền thống này bị mất đi”.
THUỶ VĂN