Thứ Năm, 28/11/2024 21:43 CH
Nỗ lực của những cảnh đời khốn khó
Thứ Bảy, 15/12/2012 14:43 CH

Họ không có lựa chọn nào khác cho cuộc sống của mình. Người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm HIV… đã không ngần ngại oằn mình lao động mưu sinh để tự nuôi sống bản thân, gia đình và giúp đỡ người khác. Họ đang nỗ lực từng ngày cho cuộc sống vốn không mỉm cười với họ.

 

Nam.jpg

Anh Nam mưu sinh bằng việc dạy trẻ học tại nhà - Ảnh: THU THỦY

 

NGƯỜI KHUYẾT TẬT LÀM ĐIỂM TỰA

 

Chị Châu Thị Ẩm, 49 tuổi (thôn Đông Lộc, xã Hòa An, Phú Hòa) bị bại liệt hai chân và một tay khi mới chào đời. Không chỉ vậy, chị còn mắc chứng động kinh. Sau một thời gian dài được cán bộ y tế thôn đến tập luyện và hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà, sức khỏe chị Ẩm có phần hồi phục. Bốn năm trước, chị được vay gần 4 triệu đồng từ Dự án Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý mở quán buôn bán tạp hóa. Nhờ vậy, một thời gian, chị vượt qua cuộc sống khó khăn, có thu nhập ổn định bằng chính sức lao động của mình. Chị Ẩm bộc bạch: “Bản thân tôi tự sinh hoạt đã thấy vất vả. Vậy mà năm ngoái, người chị gái cùng đỡ đần tôi trước đây, lại mắc chứng tâm thần phân liệt, ngơ ngơ ngác ngác và không nhớ gì đến chuyện quá khứ. Cũng may là chị của tôi còn nhận tôi là người thân”. Kể từ đó, chị Ẩm là chỗ dựa cho người chị của mình cả về vật chất và tinh thần.

 

Điều đặc biệt tại quày tạp hóa chính là chị Ẩm thường ngồi một chỗ để đưa bán cho khách hàng những món gần tầm tay, còn nhiều thứ khác khách tự lấy. Chị Lê Thị Hòa, người cùng thôn bộc bạch: “Chúng tôi thường mua hàng ủng hộ chị Ẩm. Đúng là họa vô đơn chí cho hoàn cảnh này”. Chị Ẩm tủi thân kể: “Hôm trước, sau khi nướng xong cả bao bánh tráng, mệt quá nên tôi ngủ thiếp đi. Vậy mà có kẻ đột nhập vào quán lấy cả túi tiền tôi đang gối ở đầu. Vậy là số tiền dành dụm để trả khoản vay cũng bị mất. Tôi phải cố gắng làm lại…”.

 

Còn với anh Lê Văn Nam (khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), hơn 33 năm cần mẫn làm người gõ đầu trẻ để kiếm kế sinh nhai khi anh không có đủ sức khỏe để tham gia làm nghề như những nam giới khác ở vùng biển. Lên 5 tuổi, Nam bị bệnh bại liệt, khiến đôi chân trở nên tàn tật. Sự đam mê kiến thức, đam mê nghề giáo giúp anh có thêm nghị lực vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi đến cùng các cấp học. Song nguyện vọng ấy không thành hiện thực, Nam phải dừng học ở lớp 9. Ấy là thời điểm tai họa ấp xuống gia đình khi cha bị mất tích trong chuyến đi đánh cá trên biển. Lập gia đình, anh tiếp tục theo nghề dạy chữ của thời trai trẻ để kiếm kế mưu sinh. Sáng, chiều hai buổi nhưng mỗi tháng anh cũng chỉ kiếm được 1,5 triệu đồng. Anh nói: “Vì phải nuôi các con ăn học, nên dù có đau bệnh tôi vẫn cố gắng dạy trẻ tại nhà. Bởi mức học phí ít ỏi đó là thu nhập chính trong gia đình tôi”. Các con anh đã tốt nghiệp PTTH và đang theo học tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, con trai lớn đã lập gia đình. Chúng rất yêu quý, kính trọng người cha đã vượt qua hoàn cảnh để làm điểm tựa cho các thành viên trong gia đình, cũng như giúp đỡ chuyện học hành cho trẻ em làng biển.

 

Mai.jpg

Chị Mai tuy mắc bệnh nhưng phải buôn bán đồng nát để nuôi gia đình - Ảnh: THU THỦY

 

VƯỢT QUA BỆNH TẬT

 

Trần Thị Thu Mai (thôn Phú Hiệp, xã Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa), mặc dù bản thân bị nhiễm HIV, nhưng chị vẫn phải luôn cố gắng sống để làm điểm tựa cho người mẹ bị ung thư và đứa con gái nhỏ. Ngày ngày, chị Mai vẫn đạp xe đi mua bán đồng nát và đưa đón con đi học. Mai bộc bạch: “Tôi bị nhiễm HIV từ chồng 7 năm trước. Trong những ngày tháng đen tối đó, tôi tựa vào niềm hy vọng duy nhất là con mình không mắc phải căn bệnh như cha, mẹ. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao giúp tôi có thêm nghị lực để tiếp tục đương đầu với cuộc sống”.

 

Mẹ của Mai cũng đã bình tĩnh lại sau bao tháng ngày trĩu nặng nỗi đau. Nhưng thực tế càng phủ phàng hơn khi người phụ nữ từng mang trong mình nhiều căn bệnh khó chữa trị, hai năm trước lại mắc thêm ung thư vú. Đã vậy, hai mẹ con bà lại bị người khác lợi dụng lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà đem thế chấp. Cuộc sống vốn khó khăn của gia đình này đã lâm vào cảnh bế tắc. Từ ngày mẹ bệnh ung thư (10/2010), Mai vất vả rất nhiều, khi hàng tháng phải đưa mẹ vô TP Hồ Chí Minh tái khám. Đợt mẹ phẫu thuật, Mai chăm sóc mẹ đến hai tháng tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.

 

Đã vậy, chị còn tham gia vào nhóm tiếp cận xã hội để tư vấn cho những người cùng cảnh ngộ và tuyên truyền cho những đối tượng khác về căn bệnh thế kỷ. Công việc của chị cứ trôi qua một cách thầm lặng. Nhiều người nghĩ chị lập dị, khác thường. Song trên hết, chị muốn cuộc sống này bớt đi những cảnh đời nghiệt ngã do căn bệnh HIV/AIDS gây nên, khi chính chị cũng là nạn nhân. Mai nói: “Tôi thấu hiểu cảm giác của những người vợ có chồng nhiễm HIV, người phụ nữ đáng thương vô tình mắc HIV. Vì thế, tôi quyết định trở thành một tuyên truyền viên phòng, chống HIV/AIDS”.

 

Chị tiếp cận các nhà nghỉ, khách sạn hay các tụ điểm “nhạy cảm” để tuyên truyền thực hiện hành vi tình dục an toàn phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Bằng câu chuyện xúc động của chính mình, Mai đã thành công trong tư vấn. Có những người mới phát hiện mắc bệnh, họ ngại và bất an. Mai đến động viên, chia sẻ, giúp họ đứng lên. Thái độ tận tụy của Mai đã giúp những người cùng cảnh ngộ cảm thấy được an ủi, yên tâm hơn rất nhiều.

 

MƯU SINH TUỔI GIÀ

 

Tại tuyến đường Chí Thạnh - La Hai, một bà cụ thường mang theo giỏ đựng vé số đứng chờ người qua đường chở giúp. Trông bà như người ở tuổi 90 nhưng bà cho biết chỉ ở tuổi 72. Tôi sợ bà ngồi xe không vững nên chạy chậm, bà bảo cứ đi bình thường chứ bà ngồi quen rồi. Rồi bà kể chuyện, bà bảo bà tên Nguyễn Thị Tân, ở thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân). Bà đi bán vé số đã 12 năm qua, tức lúc bà 60 tuổi. Địa bàn bà thường xuyên lui tới là thị trấn La Hai (Đồng Xuân) và thị trấn Chí Thạnh (Tuy An). Bà bảo, sáng đi lên La Hai, chiều xuống Chí Thạnh mới bán được nhiều. Mưa gió, không ngày nào bà nghỉ, bởi nghỉ là mất khoản thu nhập từ vài chục đến một trăm ngàn đồng. Bà đang ở cùng vợ chồng người con gái út và 3 đứa cháu ngoại. Bà nói: “Làm nghề nông khổ nhưng không đủ chi phí, nhất là phải cho mấy đứa cháu ăn học. Vợ chồng con út cũng đi bán vé số khi xong vụ mùa, nhưng chúng nói bán không đắt bằng tôi. Khi nào không còn sức nữa thì thôi chứ tôi không muốn làm phiền các con”.

 

Mới đây, về công tác ở xã An Nghiệp (Tuy An), tôi đến nhà ông cụ Bốn năm nay tuổi đã 80, nhưng là người lao động chính trong gia đình. Con trai ông mắc chứng tâm thần, nên vợ cậu ấy bỏ nhà ra đi, để lại cho ông hai đứa cháu nội và người con lúc tỉnh, lúc mơ. Hàng ngày ông lo cơm nước, đưa các cháu đi học rồi đi chăn bò, trồng sắn... Ông bảo: “Lao động đã quen nên tôi không thấy mệt. Nhưng tôi đang rất lo lắng, nếu tôi có bề gì con trai và các cháu sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, tôi luôn cầu mong mình có sức khỏe để làm lụng, kiếm tiền lo cho các cháu học hành đàng hoàng. Chúng chỉ mới 6 tuổi và 8 tuổi”.

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek