Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở các thôn Phong Thái, Quang Thuận, Thái Long (xã An Lĩnh, huyện Tuy An) phải sống trong sự lo sợ vì nhà cửa tiếp tục bị hư hỏng do trượt lở đất, đá. Mặc dù chính quyền địa phương đã xây dựng khu tái định cư để tạo điều kiện cho người dân ổn định, nhưng nhiều hộ vẫn chưa di dời đến nơi ở mới, chấp nhận sống chung với hiểm nguy.
Xã An Lĩnh hiện có hơn 1.200 hộ, trong đó hơn 19% là hộ nghèo. Tình trạng trượt lở đất, đá xảy ra năm 2009 do mưa lũ đã làm nhà ở, ruộng vườn của hàng chục hộ dân ở các thôn Phong Thái, Quang Thuận và Thái Long bị sụt lún, nứt tường và bồi lấp nặng. Từ năm 2010 đến nay, mặc dù không có mưa lớn, song nhà cửa của người dân ở các thôn này vẫn tiếp tục bị rạn nứt do trượt lở đất, đá. Bà Nguyễn Thị Trúc Phượng có nhà ở vùng 4, thôn Phụng Thái bị sụt, nứt nặng nằm trên độ cao hơn 10m so với đường bê tông liên thôn, cho biết: Từ năm 1984 đến nay, tại khu vực này có ít nhất 4 lần xảy ra hiện tượng trượt lở đất, gây nứt tường nhà, mà nặng nhất là đợt mưa lũ năm 2009. Nhiều vị trí trong nhà bị đổ nghiêng phải dùng cây chống đỡ. Những cơn mưa lớn vừa qua, nước từ trên núi Động Chính đổ xuống, quét chân móng nhà, khiến các vết nứt ngày càng rộng hơn, tạo nhiều hầm hố xung quanh nhà, làm sạt.
Không riêng gì nhà bà Phượng, hiện còn hơn 30 hộ dân ở các thôn Phong Thái, Quang Thuận và Thái Long có nguy cơ tiếp tục bị sụt lún nhà cửa, mà vẫn chưa thể di dời đến khu tái định cư. Bà Nguyễn Thị Trúc Phượng chia sẻ: “Gia đình tôi định cư tại vùng đất này từ năm 1984, cuộc sống nhờ vào 7 sào mía, 3 sào lúa và rẫy chuối. Gia đình tôi rất muốn chuyển đến nơi ở mới, nhưng chưa đủ điều kiện xây nhà nên đành phải chấp nhận ở lại nơi cũ, dù tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Còn gia đình ông Bùi Thanh Trần ở vùng 4, thôn Phong Thái có 8 người cũng đang sống trong tình trạng lo âu trong căn nhà nứt rộng chừng 40m2, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ông Trần cho hay: “Cuộc sống của gia đình dựa vào 3 sào mía, 2 sào ruộng nên không biết khi nào mới có đủ tiền chuyển đến khu tái định cư xây nhà mới và nhận 10 triệu đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước”.
Theo nhiều người dân đang sống trong vùng bị ảnh hưởng do trượt lở đất, đá, ngoài 12 hộ có điều kiện chuyển đến khu tái định cư, có nhiều hộ chuyển đến vùng lân cận do kinh tế khó khăn, không đủ tiền xây nhà và không muốn xa đất sản xuất tại nơi ở cũ.
Ông Nguyễn Quang Trung, cán bộ địa chính xã An Lĩnh cho biết: UBND huyện Tuy An và xã An Lĩnh đã xây dựng một khu tái định cư rộng 12ha, để bố trí chỗ ở cho khoảng 100 hộ dân. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 12 hộ chuyển đến nơi ở mới, hơn 30 hộ còn lại vẫn phải sống tại nơi ở cũ. Hiện khu tái định cư đã hoàn thành phần mặt bằng và giao thông nội vùng. Tuy nhiên, do khó khăn về nước sinh hoạt vào mùa nắng và xa đất canh tác nên nhiều hộ vẫn chưa chịu di dời.
PHƯƠNG NAM - HOÀI NAM