Thứ Bảy, 30/11/2024 01:34 SA
Truyền thông phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS
Thứ Bảy, 01/12/2012 10:30 SA

Vào tháng 12 năm 1990, Việt Nam phát hiện ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên. Đến nay, HIV/AIDS đã trở thành đại dịch và đang tiếp tục lây lan, đe dọa cuộc sống của nhiều gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này, thậm chí có người còn cho rằng HIV/AIDS là… tệ nạn xã hội và kỳ thị những người mắc bệnh. Vì thế, để mọi người hiểu rõ HIV/AIDS nguy hiểm thế nào, cách phòng tránh, cách bảo vệ bản thân và người thân như thế nào… là trách nhiệm của những người làm công tác truyền thông.

 

Truyen-thong121201.jpg

Nhân viên tiếp cận cộng đồng (ngoài cùng bên trái) truyền thông phòng tránh HIV/ AIDS cho thanh niên - Ảnh: Y.LAN

Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ông Lê Văn Dũng, cán bộ truyền thông tiếp cận cộng đồng tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên đã trao đổi về vị trí của truyền thông trong cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ.

 

* Một số người cho rằng truyền thông là công việc khá nhẹ nhàng, chỉ là nói chuyện thôi. Báo đài đã thông tin nhiều về HIV/AIDS, mọi người cũng hiểu biết về căn bệnh này, vì thế truyền thông là không cần thiết. Ông nghĩ thế nào về ý kiến đó?

 

- Vâng, truyền thông đúng là chỉ nói chuyện thôi. Tuy nhiên, bạn phải nói sao cho người ta nghe mình, nói sao cho người ta chịu làm theo mình thì mới là vấn đề. Đặc biệt, đối tượng mà chúng tôi nhắm đến lại là những người khá nhạy cảm, ngại tiếp xúc như người tiêm chích ma túy, mại dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV/AIDS...

 

Thông tin trên báo đài rất ngắn, không thể cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết. Vì thế, nhiệm vụ của chúng tôi là phải truyền thông cho tất cả mọi người hiểu tường tận về HIV/AIDS, đặc biệt là các đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

 

* Làm sao để truyền thông cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao mà ông cho là khó tiếp xúc, khó nhận dạng?

 

- Chúng tôi tiếp nhận thông tin qua tất cả các mối quan hệ của cá nhân, đồng nghiệp, bạn bè, người thân…, từ đó chắt lọc, xác minh thông tin. Bước khó khăn nhất là tiếp cận với họ. Không chỉ một, hai lần mà phải kiên trì rất nhiều lần. Tiếp cận được họ rồi, làm thế nào để họ nghe mình nói cũng là vấn đề không dễ. Vì thế phải mỗi lần một ít, mỗi ngày một ít, mưa dầm thấm lâu để họ có thể cởi mở hơn, thân thiện hơn, để họ hiểu rằng không phải ai cũng kỳ thị việc họ đã hay đang làm. Chúng tôi đến với họ không phải chỉ để làm cho xong nhiệm vụ mà chúng tôi thật sự quan tâm đến sức khỏe, đến tinh thần của họ.

 

* Thành công mà những người làm công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS ở Phú Yên gặt hái được tính đến thời điểm này là gì, thưa ông?

 

- Vào năm 2005, lũy tích nhiễm HIV/AIDS được phát hiện tại Phú Yên là 311 người. Tính đến ngày 30/10/2012, lũy tích nhiễm HIV/AIDS tại Phú Yên là 515 người. Mỗi năm có khoảng 30 người nhiễm HIV, đây là con số khiêm tốn so với các tỉnh khác. Chúng tôi cố gắng hạ thấp tỉ lệ này qua từng năm. Ngoài ra, cộng đồng hiện nay đã phần nào không còn kỳ thị gay gắt với người nhiễm HIV/AIDS như trước. Những người có hành vi nguy cơ cao hiểu được các đường lây truyền, biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV như phải dùng bơm kim tiêm sạch một lần, dùng bao cao su trong quan hệ tình dục, khi có các hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS phải đến các bệnh viện hoặc trung tâm để được tư vấn điều trị…

 

* Nhiều năm làm công tác này, hẳn nhóm truyền thông tiếp cận cộng đồng của ông có những kỷ niệm đáng nhớ?

 

- Đó là lần nhóm truyền thông tiếp cận cộng đồng chúng tôi phải tốn nhiều thì giờ và tâm sức nhất. Khi tìm cách tiếp cận, chúng tôi vấp phải sự phản đối rất tiêu cực từ người bệnh. Người bệnh đó không chỉ suy kiệt về thể xác mà tinh thần cũng đang chết dần. Từ chỗ chúng tôi chỉ có thể đứng ngoài cổng đến khi vào được nhà người bệnh là cả một quá trình, vào được nhà rồi lại không thể bắt chuyện với người bệnh. Chúng tôi phải tìm mọi cách để có thể nói chuyện được, như giả vờ bỏ quên tài liệu, nói chuyện với người thân của họ trước, giới thiệu nhiều gương điển hình mà người bệnh biết, quan tâm đến sức khỏe của người thân bệnh nhân… Phải mất một thời gian dài, người bệnh đó mới có thể tin tưởng tâm sự và nghe lời khuyên của chúng tôi.

 

* Đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị HIV/AIDS và vẫn còn người kỳ thị căn bệnh thế kỷ này, công việc của những người truyền thông tiếp cận cộng đồng có lẽ sẽ còn khó khăn?

 

- Vì chưa có thuốc đặc trị và cũng vì mọi người chưa hiểu được tường tận cơ chế lây truyền của HIV nên cộng đồng còn kỳ thị. Vì thế, chặng đường phía trước của chúng tôi vẫn còn khá dài. Phải truyền thông cho mọi người hiểu HIV/AIDS không dễ lây nếu biết cách phòng tránh; người nhiễm HIV/AIDS sống, học tập, lao động như người bình thường, thậm chí trong số họ còn có những tấm gương sáng trong học tập, lao động sản xuất.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

VIẾT TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek