Thứ Ba, 08/10/2024 05:22 SA
Phòng bệnh cho gia súc còn khó khăn
Thứ Bảy, 01/12/2012 14:00 CH

Hiện bệnh lở mồm long móng trên gia súc tại các địa phương trong tỉnh đã được khống chế. Tuy nhiên, do chưa có thuốc sát trùng để tổ chức phun đại trà, hạn chế vi rút gây bệnh trong môi trường, nên các địa phương đang gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc.

 

bo121201.jpg

NÂNG CAO Ý THỨC PHÒNG BỆNH

 

Theo Chi cục Thú y tỉnh, hiện các ổ bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở huyện Đồng Xuân đã qua 21 ngày, không phát sinh thêm gia súc nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết ngày nắng, đêm lạnh, độ ẩm không khí tăng cao, nhiều đàn gia súc có tỉ lệ tiêm phòng chưa đạt yêu cầu, nếu không có những biện pháp mạnh khống chế sự phát tán, lây lan của mầm bệnh thì nguy cơ bùng phát trở lại LMLM là rất cao. Hiện ngành thú y và các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất việc phát tán và lây lan mầm bệnh trong môi trường. Một trong những vấn đề quan trọng được các địa phương chú trọng là công tác tuyên truyền vận động sự phối hợp của người chăn nuôi.

 

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng trạm Thú y huyện Đồng Xuân cho biết, đến nay số bò bị bệnh LMLM trên địa bàn huyện đã được điều trị khỏi, không có thêm trường hợp gia súc mắc bệnh. Tuy nhiên không vì vậy mà lơ là trong việc giám sát dịch bệnh. Hiện cán bộ thú y của trạm cũng như thú y xã vẫn tiếp tục theo dõi tình hình bệnh trên gia súc. Công tác quản lý vận chuyển, buôn bán và giết mổ gia súc được thực hiện chặt chẽ, đồng thời ngành thú y cũng đang tiếp tục triển khai tiêm phòng bổ sung cho các đàn gia súc chưa được tiêm vắc xin trong đợt chính.

 

Còn tại huyện Sông Hinh, để giảm thiểu mầm bệnh lưu thông trong không khí, phát tán và lây lan, cán bộ thú y phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi, không để phân, nước thải ứ đọng lâu ngày gần nơi nuôi nhốt gia súc… Mí Thoa ở buôn Chao, xã Ea Bá (Sông Hinh) cho biết: “Thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ thú y, mỗi ngày tôi đều dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ, phân bò được thu gom để cách xa nơi nhốt. Chuồng nuôi được dọn vệ sinh hàng ngày nên sức khỏe của đàn bò tốt hơn”.

 

Ngoài việc vệ sinh chuồng trại, cán bộ chuyên trách của các địa phương còn hướng dẫn người chăn nuôi bổ sung các loại thức ăn thô xanh cho vật nuôi để tăng sức đề kháng chống lại mầm bệnh. Đồng thời kêu gọi chủ gia súc, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế cho gia súc đi ăn ở đồng xa, thực hiện việc “mỗi đàn gia súc một đồng cỏ tại nhà”. Theo phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, hiện mô hình này đang được triển khai tại buôn Bầu, xã Ea Bá, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả. Trong buôn đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, sắp tới huyện sẽ nhân rộng ra các thôn, buôn, xã lân cận.

 

CÒN KHÓ KHĂN

 

Khó khăn mà các địa phương đang gặp phải trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, đó là đến nay vẫn chưa có thuốc sát trùng để tổ chức phun đại trà, hạn chế vi rút gây bệnh trong môi trường. Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng trạm Thú y huyện Sông Hinh cho hay: Mọi năm đến thời điểm này công tác phun thuốc tiêu độc môi trường (theo chương trình tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh) đã hoàn tất, góp phần đáng kể vào việc khống chế mầm bệnh lây lan; nhưng năm nay, đến giờ trạm vẫn chưa có thuốc để phun tiêu độc. Trong khi đó phần lớn đàn gia súc của các hộ nuôi là người đồng bào dân tộc thiểu số lại khó thực hiện công tác này. Trước mắt, trạm phối hợp với các xã vận động bà con thường xuyên quét dọn chuồng trại, xử lý môi trường khu vực nuôi gia súc bằng vôi bột.

 

Một khó khăn nữa là nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch còn hạn chế, một số nơi người chăn nuôi coi bệnh LMLM không nguy hiểm, không gây chết gia súc, thịt gia súc nhiễm bệnh vẫn có thể ăn được nên nhiều hộ chăn nuôi khi có gia súc bị bệnh còn cố ý giấu… gây khó khăn trong việc phòng chống bệnh.

 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Đơn vị đang chỉ đạo cho các Trạm Thú y phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền vận động người chăn nuôi phối hợp trong việc thông báo bệnh gia súc. Ngành thú y cũng thắt chặt việc quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát. Các trường hợp cố tình vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc và các sản phẩm từ gia súc có bệnh sẽ bị xử lý kiên quyết. Ngoài ra, các địa phương cần hướng dẫn các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức trong công tác giám sát dịch bệnh, khuyến cáo người dân khi phát hiện gia súc chết bất thường thì phải cách ly và thông báo cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, nhằm đề phòng bệnh lây lan.

 

TUYẾT HƯƠNG

Tăng cường vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi gia súc để hạn chế vi rút phát tán trong môi trường - Ảnh: T.HƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek