Mô hình vỗ béo bò được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Sông Hinh triển khai thí điểm tại thị trấn Hai Riêng với 20 hộ nông dân nghèo tham gia. Sau một năm triển khai, đến nay mô hình được nhân rộng với gần 60 hộ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trương Văn Thanh hướng dẫn bà con vỗ béo bò - Ảnh: S.DỰ
Ông Trương Văn Thanh, ở thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) có thâm niên nuôi bò hơn 10 năm, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có nuôi bò theo hình thức thả rông, một con bê khi sinh ra phải nuôi một đến hai năm sau mới bán, hiệu quả kinh tế không cao. Từ cuối năm 2011, tôi tham gia nuôi hai con bò theo mô hình vỗ béo bò do Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện phối hợp Hội Nông dân triển khai, tôi thu lãi cao hơn so với cách nuôi thông thường”. Còn hộ ông Thái Bình Dương, tham gia mô hình này với số lượng nuôi một con. Sau ba tháng nuôi, trừ tất cả các chi phí như cám, thuốc, công chăm sóc… ông thu được 1,5 triệu đồng. Gia đình ông thuộc diện neo đơn, có hai con đi học nên ông chỉ dành một ít thời gian vào buổi tối để chăm sóc bò. Ông Thái Bình Dương nói: “Sáng cho bò ăn một ký cám, trưa cho uống nước, tối cho ăn thêm cỏ. Thực hiện theo mô hình này không mất nhiều công sức, chỉ cần cắt cỏ cho bò ăn, không cần phải thả rông. Sau khi thu hoạch vụ mùa xong, tôi sẽ mua thêm vài con về nuôi theo mô hình này”.
Để có được kết quả như hôm nay, trong suốt thời gian qua, cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Sông Hinh đã hướng dẫn bà con nông dân tường tận kỹ thuật vỗ béo bò như: Tận dụng nguồn rơm, một số thức ăn hỗn hợp sẵn có tại địa phương, kỹ thuật trồng cỏ voi, tiêm thuốc phòng bệnh, xổ giun, sán cho bò trước khi đưa vào vỗ béo… Qua lớp tập huấn, bà con nông dân còn biết cách chọn mua bò với cách chọn con có khung hình to, răng phát triển từ 70% trở lên (có 2-3 đôi răng)… Bà con nông dân ở thị trấn Hai Riêng rất phấn khởi và cảm ơn trước sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện. Ông Trương Văn Thanh, một người nuôi bò vỗ béo ở thị trấn Hai Riêng, chia sẻ: “Trước kia tôi không hiểu nhiều về kỹ thuật thâm canh trong chăn nuôi bò, nhưng nay qua tập huấn, tôi làm theo sự hướng dẫn của cán bộ, chọn bò già đưa vào vỗ béo. Mô hình này rất lãi”.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Hai Riêng, thời gian đầu, thị trấn chỉ có 20 hộ tham gia nuôi bò vỗ béo, nhưng nay rất nhiều hộ học tập làm theo, tập trung chủ yếu tại khu phố 1, khu phố 2. Mô hình này có hiệu quả nên thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng ra toàn thị trấn.
Ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Phải nói rằng thời gian qua huyện Sông Hinh phát triển nhiều mô hình kết hợp vừa trồng trọt vừa chăn nuôi. Huyện đang có kế hoạch nhân rộng các mô hình này để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân”.
Bên cạnh những hiệu quả kinh tế mang lại, hiện nay người nông dân tham gia mô hình đang gặp khó khăn về nguồn vốn và đầu ra. Ông Trương Văn Thanh nói thêm: “Hiện nay, khi vỗ béo bò xong, người dân kêu tư thương tới mua. Nhưng trên thực tế, các tư thương đã móc nối với nhau để ép giá người dân. Vì vậy, bà con rất mong sẽ có một tổ chức nào đó đứng ra thu mua bò vỗ béo, giúp họ ổn định đầu ra”. Để mô hình vỗ béo bò thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, bà con nông dân huyện miền núi Sông Hinh rất cần sự chung tay giúp sức của các ngành chức năng nhằm giải quyết các vướng mắc nêu trên và tiếp tục phát huy được ý nghĩa của mô hình.
SƠN DỰ - KIM CHI