Rất nhiều chế độ của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp như hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và những nhu cầu bức thiết như khám sức khỏe định kỳ, nơi ăn, chốn ở, điểm vui chơi giải trí… vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm.
Công nhân làm việc tại KCN Hòa Hiệp - Ảnh: N.HÂN
DOANH NGHIỆP CẮT GIẢM LAO ĐỘNG
Phú Yên hiện có 3 khu công nghiệp đi vào hoạt động với 76 dự án đăng ký đầu tư. Trong đó, có 6 dự án đầu tư mới, 54 doanh nghiệp hoạt động ổn định, thu hút 5.833 lao động vào làm việc. Tuy nhiên, tình hình kinh tế có nhiều biến động, việc tăng giá một số mặt hàng chủ yếu như xăng dầu, điện… đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước những biến động này, nhiều đơn vị doanh nghiệp đã không vội ký kết các hợp đồng lớn. Từ đó, số công nhân làm việc tại doanh nghiệp buộc phải giảm xuống. Theo số liệu tổng hợp, tình hình lao động tại 3 khu công nghiệp của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2012, số lao động làm việc tại 3 khu công nghiệp giảm gần 500 lao động. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, dẫn đến người lao động phải thôi việc ở một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Phú Minh, Công ty cổ phần Quan Han, Công ty cổ phần Hòa Vinh (KCN Hòa Hiệp); Công ty TNHH Cây Xanh (KCN An Phú); Công ty TNHH Nhà máy Phân bón NPK Phú Yên, Công ty TNHH Đạt Thành I SinSung (KCN Đông Bắc Sông Cầu). Ông Huỳnh Xuân Minh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết: “Trong tình hình khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa dám ký kết các hợp đồng có giá trị xuất khẩu lớn, nên lượng lao động làm việc tại một số doanh nghiệp có giảm sút. Nếu tình hình kinh tế không ổn định thì số lượng giảm sút này sẽ còn lớn hơn nữa”.
CÁC CHẾ ĐỘ KHÔNG BẢO ĐẢM
Hiện nay, thu nhập hàng tháng của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh ở mức 2,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập thấp, trong khi việc thực hiện các chế độ như BHYT, BHXH, BHTN còn nhiều bất cập đã gây thiệt thòi cho người lao động. Hiện tượng “lách luật” bằng cách hợp đồng lao động dưới 3 tháng đối với người lao động để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT hiện nay khá phổ biến ở các doanh nghiệp. Số người lao động hiện nay được đóng BHYT, BHXH ở Phú Yên chỉ 47% so với tổng số lao động và 77% so với lao động có hợp đồng lao động trên 3 tháng. Hiện các KCN có 26/54 doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở và cũng chỉ có 7 doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Đến Công ty cổ phần Foodtech chi nhánh Phú Yên (KCN Hòa Hiệp), điều đập vào mắt trước tiên là băng rôn “Cần tuyển hơn 300 lao động, mức lương 2,2-2,5 triệu đồng/tháng” thu hút rất nhiều lao động đến đây tìm việc. Thời gian gần đây, khi các doanh nghiệp đang phải cắt giảm nhân công, hoặc phải tạm ngừng hoạt động thì đơn vị trên vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Ông Phongsakon Assavauthaisakun, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Foodtech chi nhánh Phú Yên, cho biết: “Hiện đơn vị giải quyết việc làm thường xuyên cho 350 lao động (trong đó chỉ có 98 lao động được ký hợp đồng) với mức thu nhập 2,2-2,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn hỗ trợ tiền ăn trưa 10.000 đồng/ngày và phụ cấp 8.000 đồng/ngày”. Đây quả là tín hiệu đáng mừng nhưng trên thực tế, rất nhiều chế độ mà người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp này như BHYT, BHXH, BHTN và nhiều quyền lợi cơ bản như khám sức khỏe định kỳ, chế độ thai sản, bệnh đau chưa được quan tâm đúng mức. Công nhân làm việc trả lương theo giờ và phải đứng suốt 8 tiếng đồng hồ để làm việc trong môi trường ẩm ướt, với mức lương trả 75.000 – 80.000 đồng/ngày, bao gồm cả tiền phụ cấp, chuyên cần và hỗ trợ tiền ăn trưa. Ông N.L ở xã Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa) cho biết: “Tôi làm việc tại đây gần 2 năm nhưng chưa được ký hợp đồng lao động, ngày làm việc 8 tiếng, nếu làm việc 4-5 giờ đồng hồ mà hết hàng phải nghỉ thì bị doanh nghiệp cắt tiền ăn trưa, phụ cấp. Mỗi khi ốm đau, hay chẳng may xảy ra tai nạn thì người lao động chúng tôi tự lo là chính”.
Ông Huỳnh Xuân Minh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, vừa qua, ban có phối hợp Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra 17 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại như hợp đồng lao động ký kết chưa đúng loại, nội dung hợp đồng ghi không đúng và chưa đầy đủ; nợ BHXH kéo dài, chưa tham gia đầy đủ đối với số người thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, chưa tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, chưa khám sức khỏe định kỳ.
Theo thống kê mới nhất, 97% người lao động ở các KCN Phú Yên hiện nay là người địa phương, đa số là ở nông thôn, trong khi hầu hết các KCN chưa có chỗ ở. Chứng kiến người lao động vào buổi trưa sau khi tan ca phải tranh thủ “ngã lưng” dưới bóng mát ít ỏi bên cạnh nhà xưởng, hoặc ngồi nghỉ ngay trong nhà xe để chờ đến giờ làm việc buổi chiều, chúng tôi không khỏi xót xa. Các vấn đề thiết thân như môi trường và điều kiện lao động, an toàn lao động, bảo hiểm lao động, thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động… còn nhiều bất cập. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có các chế tài cần thiết để góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
NGỌC HÂN