Tối hôm ấy, tổ 1 (khu phố Trần Phú, phường 7, TP Tuy Hòa) họp dân để xem xét, đề nghị cấp trên công nhận gia đình văn hóa năm 2012 cho các hộ trong tổ. Giấy mời ghi rõ 19g và chỉ sau đó mấy phút, hầu hết đại diện các gia đình đã có mặt. Cuộc họp tiến hành nhanh và đạt yêu cầu đề ra. Mấy năm nay, việc họp dân ở tổ 1 đã trở thành nền nếp, biểu hiện ở chỗ đại diện các gia đình trong tổ thường xuyên có mặt đúng giờ quy định, tình trạng chờ đợi nhau theo kiểu “giờ cao su” mất hàng chục phút mới khai mạc cuộc họp đã chấm dứt. Họp đúng giờ hoặc có trễ chút ít không đáng kể, chủ tọa phấn khởi triển khai công việc chung, cử tọa hăng hái tham gia ý kiến nên thời gian không kéo dài rề rà và lợi cả đôi đường…
Họp dân ở tổ 1, khu phố Trần Phú, phường 7 (TP Tuy Hòa) - Ảnh:
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, hiện nay ở nhiều khu dân cư, không phải họp dân (chủ yếu là tổ chức vào ban đêm) lúc nào cũng tiến hành “rẹt rẹt” như ở tổ 1 vừa nêu. Có nơi, giấy mời ghi rõ cuộc họp bắt đầu vào lúc 19g30 nhưng đến hơn 20g, người được triệu tập chỉ đến lác đác. Báo hại các vị khu phố trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ… phải phân công nhau xách xe máy chạy đôn đáo đi “huy động”, gọi điện thoại nhắc nhở các “đại biểu” mau mau có mặt, vừa tốn xăng lại vừa tốn tiền, thật phiền phức!
Làm gì để khắc phục tình trạng họp hành lề mề, chậm chạp vẫn còn xảy ra ở các khu dân cư như thường thấy lâu nay? Ngoài gởi giấy mời đến tận từng hộ (có nơi còn cẩn thận lập sổ yêu cầu ký “đã nhận”), vấn đề quan trọng là phải liên tục nhắc nhở ngày giờ tổ chức họp và nhất là nêu thật rõ các nội dung của cuộc họp sắp tới cho dân biết. Khi có người đến họp, chủ trì cần điểm danh cụ thể, nắm chắc các hộ vắng không rõ lý do để sau đó tìm hiểu tại sao hầu có biện pháp nhắc nhở. Cần đưa việc “đi họp đầy đủ, đúng giờ” là một trong các tiêu chí để xem xét, bình chọn gia đình văn hóa hàng năm ở cơ sở. Nhưng căn cơ nhất, lâu dài nhất vẫn là cách tổ chức các cuộc họp sao cho thu hút được sự quan tâm của người dân về những vấn đề thiết thân trong cuộc sống hàng ngày. Điều này đòi hỏi những người chủ trì cuộc họp phải chuẩn bị đầy đủ các thông tin cần thiết, có cách truyền đạt mạch lạc, sinh động, khéo léo “lôi cuốn” được sự tham gia ý kiến đóng góp của người dân chứ không phải một mình thao thao “độc diễn”. Dân gian có câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Do đó, trong các cuộc họp dân, các gia đình cán bộ, đảng viên nhất thiết phải gương mẫu đi họp đúng giờ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng thôn, buôn, khu phố và tuyệt đối không lén lén bỏ về nửa chừng. Có như vậy thì mới thuyết phục được các hộ dân nhìn vào mà họp hành nghiêm túc, đầy đủ, làm cho cuộc họp đạt mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa bền vững…
SÔNG BA HẠ