Chính phủ vừa ban hành Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được hưởng trợ cấp một lần. Cụ thể: Người suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung.
Nghị định nêu rõ, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung. Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương; tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 31 Nghị đình này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Tổ chức bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ, hoàn thiện các nội dung trong Sổ bảo hiểm xã hội. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp Sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Cũng theo Nghị định trên, người lao động có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và có quyết định nghỉ việc chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu trước ngày 1/1/2003, thì được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
(Website Chính phủ)