Thứ Tư, 27/11/2024 23:36 CH
Người dân Việt Nam hoảng vì cảnh báo sóng thần
Thứ Tư, 27/12/2006 09:12 SA

Đến 23 giờ đêm qua, 26/12, dù Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cùng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã rút lại cảnh báo sóng thần, yêu cầu người dân trở lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, người dân sống tại các vùng ven biển đã lo lắng đến mức hoảng loạn.

061226-sotansongthan.jpg
Người dân Nam Ô (Đà Nẵng) trên đường sơ tán sóng thần trở về. Ảnh chụp lúc 23 giờ 30 ngày 26/12 - Ảnh: Trần Tuấn

Thông tin cảnh báo sóng thần tại bờ biển VN của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương được các đài phát thanh và truyền hình phát đi đã gây hoảng loạn trong dân chúng ở nhiều địa phương từ Quảng Bình đến Cà Mau.

Bản tin của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương lúc 20g30 đêm qua (26-12) thông báo “sóng thần sẽ có khả năng ảnh hưởng đến vùng bờ biển VN từ vĩ tuyến 18 (Quảng Bình), xuống phía nam đến Cà Mau”, sau đó bản tin lúc 22g15 “yêu cầu các địa phương thông báo khẩn cấp, tổ chức sơ tán dân và tàu thuyền ven bờ; hướng dẫn dân chạy vào đất liền khoảng 300-500m, tìm nơi đất cao để tạm trú”.

Phú Yên: Trong đêm qua, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện ven biển Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa khẩn cấp triển khai phương án di dời dân ở vùng triều cường, xung yếu như các xã Xuân Hải, Xuân Hòa (Sông Cầu), An Ninh Tây, An Hòa, An Hải (Tuy An), Hòa Tâm (Đông Hòa), thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa)…

Khánh Hòa: UBND tỉnh đã họp khẩn với các ban ngành liên quan triển khai các biện pháp trong trường hợp sóng thần xảy ra. Lúc 21g, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu tất cả các đơn vị di dời dân để tránh khả năng sóng thần. Đến 23g, chính quyền tỉnh đã ra lệnh dừng việc di dời dân.

Ninh Thuận: Lệnh di dời dân do phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Xuân Hòa, ký được thông báo vào khoảng gần 23g. Ngay sau đó, việc di dời dân được tiến hành ở các xã ven biển từ Phước Diêm đến Vĩnh Hải (khoảng 70.000-80.000 dân). Ở một số vùng, những người dân đã bắt đầu rút sâu theo hướng vào đất liền khoảng 300m. Việc di dời diễn ra trong trật tự và người dân phần nào yên tâm khi các lực lượng công an, dân quân triển khai ngay việc bảo vệ nhà cửa, tài sản của họ.

Tiền Giang: Ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND tỉnh, huy động đội xe đến 2 huyện ven biển là Gò Công Đông và Gò Công Tây để di dời 10.000 dân về tạm lánh tại các trường học và trụ sở UBND các phường. Ông Chí và các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh túc trực suốt đêm tại hai huyện nói trên.

Cà Mau: Ông Bùi Công Bửu, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các huyện, thị ven biển di dời dân vào nơi an toàn. Đồn biên phòng tại các cửa sông kêu gọi tàu thuyền về ngay trong đêm. Đến 23 giờ ngày 26-12, người dân ở 3 cửa sông lớn: Sông Đốc, Đất Mũi, Khánh Hội còn khá hoang mang. Những gia đình có phương tiện trước đó đã di dời lên địa bàn TP Cà Mau.

Bạc Liêu: Ông Phạm Hoàng Bê, Phó Chủ tịch UBND, đã kêu gọi người dân cảnh giác và chuẩn bị các phương án di dời tại 3 điểm địa bàn ven biển và thị xã Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải.

Bến Tre: Ông Cao Tấn Khổng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đã chỉ đạo di dời các hộ dân ven biển, nhưng sau đó đã thông báo hoãn để các hộ dân trở lại sinh hoạt bình thường.

Vũng Tàu: Nhiều người dân đã chạy tán loạn. Chị Phạm Nguyễn Thanh Thảo (nhà ở đường Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu) cho biết đến hơn 23 giờ ngày 26-12, nhiều người vẫn chưa dám trở về nhà.

TPHCM: Sau khi nhận được thông tin về sóng thần có khả năng di chuyển trực tiếp đến các vùng ven biển VN, ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP, đã trực tiếp gọi điện thoại cho lãnh đạo UBND hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè nhanh chóng chỉ đạo cho các xã có người dân sống ở khu vực ven biển, nhất ở các hộ nuôi hải sản kêu gọi mọi người vào bờ.

Đà Nẵng: 23 giờ ngày 26/12, tại các tuyến đường bên quận Sơn Trà - Đà Nẵng hàng ngàn người dân ven biển nhốn nháo, đùm túm đi sơ tán sau khi nghe các thông báo và công điện khẩn về khả năng sóng thần. Cán bộ Ban Phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng cho biết, đã triển khai thông báo và công điện khẩn xuống tất cả các địa phương nằm ven biển từ chân đèo Hải Vân đến Điện Ngọc, Quảng Nam chuẩn bị di dời toàn bộ dân ở cách bờ biển từ 300 m - 500 m đến nơi an toàn trong đất liền. Ban Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng và Công an TP đã được triển khai xuống các địa bàn để chuẩn bị phương án di dời an toàn cho dân.

Quảng Bình: Sau khi nhận được thông báo và công điện khẩn, tỉnh đã lên phương án di dời hơn 2.000 hộ dân với 10.000 người, trong đó di dời khẩn cấp 1.170 hộ với 4.400 người khỏi nơi nguy hiểm.

Quảng Nam: Người dân Hội An sống ven biển kéo nhau đi sơ tán khá đông, chính quyền cũng đã huy động các phương tiện xe cộ sẵn sàng đưa người dân ven biển đi sơ tán khẩn cấp. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã họp khẩn cấp chia nhau xuống các vùng trọng điểm triển khai phương án di dời dân khẩn cấp.

Cuối ngày, người dân tại đa số các tỉnh đã trở lại nếp sinh hoạt bình thường, các địa phương tạm ngừng sơ tán.

BTV (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek