Thời gian qua, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) đã cấp cứu cho hàng trăm trường hợp, tạo niềm tin và là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết quân dân cá nước.
Bác sĩ Phạn Đình Mừng đang thăm khám bệnh cho một ngư dân - Ảnh: C.PHÁP
NẾU KHÔNG CÓ CÁC ANH…
Vào lúc 11g30 ngày 15/8 vừa qua, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn tiếp nhận ca cấp cứu ngư dân Dương Duy Cườm (42 tuổi, quê ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang đi trên tàu cá QNg-95753. Bệnh nhân Cườm vào đảo cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đầu đau dữ dội, kéo dài từng cơn trong nhiều ngày cùng với các biểu hiện như ù tai, chóng mặt, buồn nôn. Ngay sau đó, các y, bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, khám và xét nghiệm, xác định bệnh nhân bị đau đầu cấp tính mức độ nặng do thắt mạch máu não. Sau một ngày điều trị và theo dõi liên tục 24/24 giờ, đến trưa 16/8, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt, số cơn đau và mức độ đau đã giảm đi nhiều, được tiếp tục điều trị tại bệnh xá.
Trước đó, vào ngày 7/8, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Thiên Bình (42 tuổi, quê huyện Hoài Nhơn, Bình Định) là ngư dân tàu cá BĐ-95284 đang đánh bắt tại ngư trường Trường Sa. Ngư dân Đỗ Thiên Bình vào đảo cấp cứu trong tình trạng đau bụng đột ngột ở mạng hạ sườn phải, kèm theo sốt, có triệu chứng buồn nôn và nôn, người yếu dần. Qua thăm khám, các y, bác sĩ xác định bệnh nhân bị đau quặn gan do viêm túi mật cấp, nhiễm độc mức độ nặng. Vì thế, đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu và dùng thuốc điều trị kịp thời cho anh. Chỉ sau hơn 3 ngày nằm viện, anh Bình đã tiếp tục trở lại tàu đánh bắt. Anh bồi hồi cho biết: “Nếu không có các bệnh xá, không có các anh quân y thì không biết tính mạng tôi sẽ ra sao”. Còn ngư dân Nguyễn Văn Dự (19 tuổi, quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) là người được quân y đảo Trường Sa Lớn cứu sống trong gang tấc với ca mổ phức tạp tiến hành trong nhiều giờ do bị viêm ruột thừa cấp, hoại tử nhiều ngày, xúc động chia sẻ: “Em vào cấp cứu rồi điều trị ở đây được hơn 10 ngày, sức khỏe chuyển biến tốt sau khi mổ. Cảm ơn các anh bộ đội đã chăm sóc em chu đáo và ân cần”.
CHỖ DỰA VỮNG CHẮC CỦA NGƯ DÂN
Đại úy, bác sĩ Phan Đình Mừng, Trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn cho biết: Từ đầu năm đến nay, bệnh xá đã tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu ngư dân bị tai nạn hoặc ốm đau khi ra đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Tất cả các ca cấp cứu và điều trị đều thành công, đạt kết quả tốt. Chi phí khám chữa bệnh miễn phí 100%. Với tinh thần tất cả vì bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ ở Trường Sa trong thời gian qua đã lập nên nhiều thành tích xuất sắc, cứu chữa thành công nhiều ca phức tạp như: xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân bị liệt nửa người do tai biến giảm áp vì lặn sâu, đỡ và mổ đẻ thành công cho các sản phụ trên đảo… Ân cần, nhẹ nhàng trong từng lời nói, cử chỉ, động tác chăm sóc cho các bệnh nhân luôn cẩn trọng và chính xác - đó là những điều mà nhiều người thường thấy ở những người lính mặc áo bờ lu trắng nơi đảo xa này. Các anh được quân dân trên đảo và bà con ngư dân gọi với cái tên thân thương: “mẹ hiền” ở Trường Sa.
Được biết, trước đây các trang thiết bị y tế, thuốc men của quân y huyện đảo còn hạn chế nên những ca bệnh phức tạp vẫn phải chuyển về đất liền hoặc xin ý kiến chỉ đạo xử lý thông qua hệ thống thông tin vô tuyến từ những chuyên gia giỏi ở các bệnh viện trong đất liền. Còn bây giờ, hàng năm, các bệnh viện lớn của quân đội như 103, 108, 175… đều cử bác sĩ, chuyên viên giỏi luân phiên ra tăng cường làm nhiệm vụ trên huyện đảo. Các đảo cấp 1 đều có 2 bác sĩ, cùng với đó là các trang thiết bị y tế được đầu tư mới như máy siêu âm xách tay, máy thở, máy xét nghiệm sinh hóa, dao đốt điện… có thể bảo đảm cho các ca phẫu thuật trung phẫu.. Nhờ có sự đột phá trong công tác khám chữa bệnh, thời gian qua ở Trường Sa không có trường hợp nào bị tử vong hoặc vượt quá khả năng cứu chữa phải chuyển vào bờ. Năm 2011, Quân y huyện đảo cấp cứu 65 ca, trong đó nhân dân 42 ca, còn lại là quân nhân, khám bệnh và cấp phát thuốc cho hàng nghìn lượt người với số tiền ước tính hơn 50 triệu đồng. Riêng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã cấp cứu cho gần 20 trường hợp, cấp phát thuốc cho hàng trăm lượt người, thật sự tạo được niềm tin và là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió này.
Bác sĩ Phan Đình Mừng đề nghị: Hiện nay quỹ thuốc cứu chữa cho ngư dân gặp nạn chưa có, tất cả đều sử dụng thuốc thuộc tiêu chuẩn của bộ đội. Rất mong thời gian tới, các cơ quan ban ngành, các địa phương quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho các bệnh xá ở Trường Sa. Đồng thời, thành lập quỹ cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển để hỗ trợ bà con ngư dân an tâm ra khơi đánh bắt, vừa phát triển kinh tế biển vừa góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
TRƯƠNG CÔNG PHÁP
(Bộ đội Trường Sa)