Thứ Hai, 07/10/2024 15:25 CH
Ngày giỗ đặc biệt
Thứ Sáu, 03/08/2012 14:00 CH

Đã hàng chục năm nay cứ đến ngày 27/7, các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ và người thân của các liệt sĩ lại hội về “ngôi nhà chung” – Nhà tưởng niệm liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, tổ chức giỗ các liệt sĩ. Việc làm có ý nghĩa, ngời sáng truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc này là sự tri ân đối với những người đã anh dũng ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc và có tính giáo dục truyền thống sâu sắc.

Gio-LS120803.jpg

Chuẩn bị mâm cỗ cúng liệt sĩ - Ảnh: X.HIẾU

Cũng như mọi lần, giỗ các liệt sĩ lần này ngoài những cựu binh hiện sinh sống trong tỉnh, còn có nhiều đồng đội, thân nhân liệt sĩ đến từ các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh… Các đồng chí Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Cao Thị Hòa An, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Võ Minh Thức, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa cùng nhiều cán bộ đương chức của tỉnh, của TP Tuy Hòa và nhiều địa phương cũng đến tham gia.

Trước đó, ngay trong đêm 26/7, cùng với tham gia chương trình Thắp nến tri ân, mọi công việc chuẩn bị cho ngày giỗ gần như đã hoàn tất. Mỗi người một tay và bằng tất cả lòng thành. Người đi chợ, nấu nướng; người lo sắp đặt bàn thờ, mâm cỗ… Trong đó, người “giành” phần việc “bếp trưởng” là nguyên Quyền bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Trúc. Thật khó có thể ngờ rằng lão đồng chí từng giữ một trong những chức vụ cao trong Đảng bộ tỉnh này lại đảm nhiệm công việc “bếp trưởng” của ngày giỗ chung này từ nhiều năm nay, xuất phát từ “tình đồng chí, đồng đội”. Trên bàn thờ cúng các liệt sĩ, hàng chục món do chính tay ông chế biến, trình bày chẳng thua kém gì những thợ nấu ăn chuyên nghiệp, mùi vị hòa quyện, lan tỏa khắp nghĩa trang.

Đại tá Phạm Văn Hoa, nguyên Chính ủy Trường Quân sự Bộ CHQS tỉnh, một trong những người tham gia đầy đủ các lần giỗ liệt sĩ cho biết: Sau khi tái lập tỉnh, trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân 22/12, một số anh chị em thân thiết rủ nhau làm mâm cơm để tưởng nhớ những đồng chí, đồng đội cùng đơn vị đã không có may mắn nhìn thấy ngày giải phóng, đất nước được độc lập tự do. Ý tưởng lớn gặp nhau. Sau đó, từ nhiều người, nhiều nhóm nhỏ họp lại thành một nhóm lớn tổ chức giỗ chung liệt sĩ hàng năm. Năm 2001, sau nhiều lần đến chùa để cúng, cựu binh Nguyễn Trọng Thuận (phường 4, TP Tuy Hòa) cùng quản trang Nguyễn Văn Cường và một số đồng đội tổ chức mâm cỗ thịnh soạn giỗ các liệt sĩ ngay tại Nhà tưởng niệm của nghĩa trang vào sáng 27/7- Ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ, thay cho ngày vui 22/12. Càng về sau số người tham gia, góp giỗ càng đông. Đến năm 2007, theo sự gợi ý của đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã đứng ra làm đầu mối và chủ trì việc giỗ liệt sĩ cho đến nay.

Thắp nén hương khấn vái vong hồn các liệt sĩ “sống khôn thác thiên”, đại tá Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh nghẹn ngào: “Để giành được độc lập tự do cho dân tộc, biết bao đồng chí, đồng đội, đồng bào của chúng ta đã anh dũng hy sinh. Trong hàng ngàn, hàng vạn đồng bào, đồng chí đã ngã xuống, sau ngày đất nước thống nhất, có người được tìm thấy hài cốt, được đưa về quê nhà, an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, nhưng vẫn còn nhiều người chưa tìm được mộ, chưa xác định được họ, tên, đơn vị… Tổ chức giỗ liệt sĩ vào dịp 27/7 tại nghĩa trang là để không một liệt sĩ nào yên nghỉ tại đây cũng như đang còn nằm lại ở các chiến trường có cảm giác bị bỏ quên, lạnh lẽo, không người nhang khói”.

Đại tá Nguyễn Trinh Liệu, người con của thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Phú Yên từ 1967 đến 1975, hiện đang nghỉ hưu tại Nha Trang (Khánh Hòa) luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình nên ngày giỗ năm nào ông cũng có mặt từ rất sớm. Ông tâm sự: “Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng hình ảnh những đồng chí cùng đơn vị, như Phạm Cảo, Nguyễn Văn Thắng (đều quê Hải Dương)... đã hy sinh trên mảnh đất Phú Yên anh hùng này vẫn không nguôi ngoai trong tôi. Là những người may mắn được trở về sau chiến tranh và có được cuộc sống như ngày hôm nay, không chỉ cúng giỗ mà chăm lo cho gia đình, người thân của liệt sĩ cũng là nghĩa vụ của những người đang sống”.

Ông Lê Xuân Như (quê Hải Phòng), em trai của liệt sĩ Lê Văn Phụng (chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền, hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 tại Phú Yên, hiện vẫn chưa tìm thấy mộ), đưa cả gia đình từ TP Hồ Chí Minh ra viếng nghĩa trang, tham gia ngày giỗ, chia sẻ: “Nơi anh trai tôi yên nghĩ là Phú Yên, nên dù đường sá xa xôi, hàng năm gia đình chúng tôi cũng cố gắng về thăm một lần. Được chứng kiến ngày giỗ này, gia đình chúng tôi vô cùng xúc động. Có lẽ anh tôi cùng bao liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này rất ấm lòng ở nơi chín suối”.

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek