3 điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp trách nhiệm cho 4 đối tượng; một số chế độ ưu đãi đối với lực lượng Cảnh sát biển; danh mục thiết bị được hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2012.
3 điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập
Ảnh minh họa
Theo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập đã được Chính phủ ban hành, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập cần đáp ứng 3 điều kiện: 1- Xác định cụ thể mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ; 2- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); 3- Có trụ sở làm việc hoặc đề án quy hoạch cấp đất xây dựng trụ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng, trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2012.
Phụ cấp trách nhiệm theo nghề cho 4 đối tượng
Từ ngày 1/8/2012, 4 đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo quyết định 27/2012/QĐ-TTg gồm: Chấp hành viên, Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án làm việc tại các cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Công chứng viên làm việc tại Phòng Công chứng.
Chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề tính theo tỉ lệ % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Cụ thể, mức 15% áp dụng đối với Thẩm tra viên cao cấp thi hành án và Công chứng viên.
Mức 20% áp dụng đối với Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên chính thi hành án, Thư ký thi hành án và Thư ký trung cấp thi hành án.
Mức 25% áp dụng đối với Chấp hành viên trung cấp và Thẩm tra viên thi hành án.
Mức 30% áp dụng đối với Chấp hành viên sơ cấp.
Các đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề quy định nêu trên thuộc biên chế trả lương của cơ quan nào thì cơ quan đó thực hiện chi trả.
Một số chế độ ưu đãi đối với lực lượng Cảnh sát biển
Theo Quyết định 25/2012/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 1/8/2012, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, hàng tháng được hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở hải đảo tính theo hệ số so với mức lương tối thiểu chung và thời gian thực tế công tác ở đảo xa.
Cụ thể, các đối tượng nêu trên làm nhiệm vụ ở các đảo xa thuộc các vùng biển Việt Nam từ đủ 5 đến dưới 10 năm, mức hưởng là 0,2; từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm, mức hưởng là 0,3; từ đủ 15 năm trở lên, mức hưởng là 0,4.
Trường hợp làm nhiệm vụ từ đủ 5 năm trở lên ở các đảo gần bờ, bao gồm các đảo: Cái Bầu, Đình Vũ, Cồn Đen, Cồn Lục, Cồn Vành, Đảo Ne, Đảo Ngư, Đảo Sơn Dương, Hòn La, Hòn Tre và Bình Ba được hưởng mức 0,1.
Thời gian công tác để tính hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở hải đảo là tổng thời gian công tác thực tế ở các đảo, nếu có gián đoạn thì được cộng dồn.
San, chiết chất nguy hiểm về cháy nổ không phép bị phạt tới 20 triệu đồng
Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đã được Chính phủ ban hành, hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép theo quy định bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Hành vi san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ không đúng nơi quy định hoặc sang, chiết, nạp sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng nguy hiểm cháy nổ cũng sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2012.
Điều kiện khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt
Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam ngoài việc phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định 33/2010/NĐ-CP như phải có đủ biên chế thuyền viên; đã được đăng ký, đăng kiểm; có bảo hiểm thuyền viên;... thì Nghị định 53/2012/NĐ-CP sửa đổi thêm quy định là phải có sổ thuyền viên tàu cá hoặc chứng chỉ nghiệp vụ thuyền viên tàu cá.
Đối với tổ chức, cá nhân đưa tàu cá đi khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác phải đáp ứng các điều kiện quy định đối với tàu cá, đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và các điều kiện sau: Có hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản đối với tổ chức, cá nhân của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển, được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển đó chấp thuận hoặc theo nội dung của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa quốc gia và vùng lãnh thổ có biển với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thuyền viên trên tàu phải có hộ chiếu phổ thông; trên tàu hoặc cùng một nhóm tàu phải có ít nhất 1 người biết tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác; đáp ứng được điều kiện khác theo quy định của pháp luật nước sở tại (nếu có).
Nghị định 53/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/8/2012.
Danh mục thiết bị được hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành danh mục các loại máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2012.
Theo đó, các loại máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được vay vốn và hỗ trợ lãi suất gồm: Các loại máy làm đất: máy kéo (loại 2 bánh và 4 bánh); máy cày, bừa, phay; bánh lồng; máy rạch hàng; máy (xe) thu gom lúa, rơm rạ trên đồng; phà (trẹt) chở máy gặt; xe chở hàng 4 bánh gắn động cơ có tải trọng dưới 500 kg; Động cơ Diesel dưới 30 mã lực (HP) sử dụng trong canh tác, thu hoạch, chế biến nông sản, thủy sản; Các loại máy gieo hạt, máy cấy, máy trồng cây, thiết bị dây chuyền sản xuất mạ thảm; máy sàng, máy trộn, máy đưa phân bón vào vỉ xốp để gieo hạt, hệ thống tưới phun tự động;
Các loại máy thu hoạch lúa, ngô, mía, cà phê; máy đốn, hái chè; máy tuốt đập lúa; máy tẽ ngô, máy đập đậu tương, máy bóc vỏ lạc; xát vỏ cà phê; Các loại máy xới, máy vun luống, máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm nước... cũng thuộc danh mục trên.
Đối với các loại máy móc trên, theo quy định tại Quyết định 63/2010/QĐ-TTg, mức tiền vay tối đa để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước bằng 100% giá trị hàng hóa. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất.
Công tác phí cho cán bộ đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài
Từ ngày 10/8/2012, chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí được thực hiện theo quy định tại Thông tư 102/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Thông tư này áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội... được cử đi công tác hoặc được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí (gọi chung là đi công tác). Thời gian công tác ngắn hạn ở nước ngoài không quá 180 ngày cho một đợt công tác.
Theo Thông tư, những khoản thanh toán trực tiếp cho cá nhân người đi công tác nước ngoài gồm: Tiền vé các phương tiện đi lại; Tiền thuê phòng nghỉ ở nước đến công tác; tiền ăn và tiêu vặt ở nước đến công tác; lệ phí thị thực, lệ phí cấp hộ chiếu...
Những khoản thanh toán chung cho cả đoàn gồm: Tiền cước hành lý, tài liệu mang theo phục vụ cho đợt công tác; tiền thuê phương tiện đi làm việc hàng ngày tại nước đến công tác; tiền thuê phương tiện trong trường hợp phải quá cảnh; tiền điện thoại, fax, internet...
Thông tư nêu rõ, ngoài mức công tác phí quy định tại Thông tư này, cơ quan, đơn vị cử người đi công tác và cơ quan, đơn vị của Việt Nam đóng tại nước sở tại nơi người đi công tác đến làm việc không được sử dụng ngân sách Nhà nước để chi thêm bất cứ khoản chi nào dưới bất kỳ hình thức nào cho người đi công tác.
Theo chinhphu.vn