Sau khi kết thúc năm học, nhiều gia đình ở thành phố thường cho con em đi du lịch, tham gia nhiều hoạt động xã hội. Trái lại, trẻ em ở nông thôn, miền núi vì thiếu sân chơi lành mạnh, dễ tìm đến những trò chơi vô bổ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích.
Trẻ em huyện miền núi Sông Hinh với trò chơi dân gian “bịt mắt bắt dê” - Ảnh: K.CHI
Tháng 7, tại các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh cái nắng càng gay gắt hơn. Các em thiếu nhi thường theo ba mẹ lên rẫy, và ở đây chúng thường ra sông, suối để tắm, hay vào rừng chọc phá tổ chim, tổ ong… tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Đối với những em lớn tuổi hơn, ngay sau những ngày đầu rời trang sách phải lao động, lo cái ăn cùng ba mẹ. Thậm chí các em còn gọt sắn, nhặt củi với mong muốn kiếm thêm tiền để mua sách vở chuẩn bị vào năm học mới. Em Hoàng Thị Thu Thùy ở xã Ea Ly (Sông Hinh) nói: “Em làm thêm là để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ, mua sách vở hay quần áo cho năm học mới. Gia đình khó khăn, nên em không có điều kiện đi chơi trong dịp hè”.
Không làm việc gọt sắn hay nhặt củi, trẻ em ở các huyện đồng bằng như Tây Hòa, Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa… lại chọn cho mình việc khác để phụ giúp ba mẹ, đó là bóc vỏ lụa hạt điều. Hầu hết, trẻ em ở đây mỗi ngày đều bóc từ 5 đến 10kg hạt điều. Để bóc vỏ được số lượng hạt điều này, ngay từ sáng sớm các em đã có mặt tại xưởng và chiều tối mới xong việc, với khoảng thu nhập từ 20.000 đến 50.000 đồng/ngày.
Dẫu biết là vi phạm Luật Lao động và quy định về bảo vệ trẻ em, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nên nhiều bậc cha mẹ vẫn cho con đi lao động sớm. Ông Y Len, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm (Sông Hinh) cho biết: “Người dân ở đây đa số làm rẫy, nên tận dụng lao động trong gia đình là chính. Dẫn con đi theo trong khi làm rẫy cũng là cách để quản lý các em trong mùa hè”.
Vào mùa hè, để tạo sân chơi cho mình, các em thường tập trung dưới những tán cây để chơi những trò chơi dân gian như bắn bi hay đánh tổng… Đồng ruộng mới gặt xong cũng được trẻ em ở nông thôn chọn làm sân bóng đá, thả diều. Thế nhưng, những sân chơi ấy cũng chỉ kéo dài được vài ngày, bởi khi nước về, đồng ruộng trở nên lầy lội.
Vì thiếu sân chơi và trò chơi phù hợp với lứa tuổi nên nhiều em tìm đến các đại lý internet để đắm mình vào những trò chơi vô bổ trên mạng. Em Huỳnh Tấn Can ở xã Hòa Bình 1 (Tây Hòa)vừa lóng ngóng điều khiển chuột máy tính, vừa thích thú cho biết: Lúc đầu, chỉ đứng nhìn các bạn chơi, giờ thì em biết rồi nên ngày nào cũng chơi.
Cũng vì không có sân chơi lành mạnh cho trẻ em, nhiều phụ huynh lại ép con mình học hè để tránh xa những trò chơi vô bổ trên mạng, hay nguy cơ đuối nước khi tắm sông, suối. Bà Nguyễn Thị Bích Thuận ở thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) cho biết, do hai vợ chồng là công chức nhà nước, không có nhiều thời gian chăm sóc con. Sợ con mê chơi game, nên cho hai con đăng ký học thêm ở nhiều thầy, cô giáo trong dịp hè.
Làm gì để trả lại mùa hè cho tuổi thơ, để các em thực sự được nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động xã hội - đây là trách nhiệm của các ngành và chính quyền các cấp. Theo bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, để giải quyết được vấn đề này, cần phải đầu tư xây dựng các điểm vui chơi lành mạnh, miễn phí cho các em ở các vùng nông thôn, miền núi. Trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội.
ĐẶNG DỰ