Những người khuyết tật thường có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vì thế, ước mơ của họ về một chiếc xe lăn để giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn cũng khó thực hiện. Nhưng giờ đây, ước mơ ấy đã thành hiện thực…
NHỮNG SỐ PHẬN KHÔNG MAY
Anh Đỗ Văn Ảnh bên chiếc xe lăn - Ảnh: NGỌC DUNG
Sinh ra trong gia đình nghèo, lên 3 tuổi, ông Nguyễn Ngọc Hưng ở thôn Thọ Vức (Hoà Kiến, TP Tuy Hoà) bị một trận bệnh sốt co giật làm bại liệt đôi chân. Ba mẹ cõng đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, ông Hưng phải “đi” bằng hai đầu gối suốt 12 năm trời. Sau đó, nhờ một tổ chức nhân đạo giúp đỡ ông được đưa đi phẫu thuật. Năm 15 tuổi, ông mới đứng dậy lê từng bước đi khó nhọc cùng đôi nạng gỗ. Bàn chân quệt dài trên đất, kéo lê trong những ngày đầu tập đi, đau nhói, và ông cảm nhận sự sống dần hồi sinh trên đôi chân mình. Ông kể: “Ngày nào tui cũng tập đi, nắng cũng tập mà mưa cũng tập, gì chớ ngã lăn quay ra đất là chuyện xảy ra như cơm bữa”. Kiên trì tập luyện, ông dần đi được bằng đôi nạng gỗ. Những lúc chân đau nhức, người mỏi nhừ bên đôi nạng, ông thầm nghĩ: “Giá như mình mua được một chiếc xe lăn!”. Nhưng đó chỉ là ao ước, vì lo cho bảy miệng ăn trong gia đình có được ba bữa cơm không phải là điều dễ dàng với người tật nguyền như ông Hưng.
Ông Đỗ Văn Ảnh ở phường 2 (TP Tuy Hoà) từng là một tài xế rất khoẻ mạnh, đi đây đi đó nhiều nơi, thu nhập cũng khá. Hơn 10 năm lái xe đường dài, sức khỏe ông ngày một yếu, dẫn đến kiệt sức rồi mắc bệnh tim. Sau những trận bệnh, bao nhiêu tiền ki cóp dành dụm trong nhiều năm đều không còn. Mổ tim xong lại bị tai biến nằm một chỗ, chân trái tay trái bị liệt, mọi sinh hoạt cá nhân của ông đều phải trông cậy vào người thân trong gia đình. Ông Ảnh buồn bã nói: “50 tuổi, đáng lẽ tôi phải là người đàn ông trụ cột trong gia đình. Đằng này, đã không giúp đỡ được gì, lại sống dựa dẫm vào vợ con, tôi thấy mình chẳng khác gì người tàn phế”.
Cảnh ngộ của chị Trần Thị Trúc, 38 tuổi ở thôn Thọ Vức (Hoà Kiến) cũng gần giống với ông Ảnh. Chị ứa nước mắt nhớ lại: Từ lúc sinh ra đến năm 20 tuổi, tui lành lặn bình thường như mọi người. Nhưng một tai nạn giao thông đã cướp mất đôi chân. Tỉnh dậy trong bệnh viện, thấy hai chân của mình không còn, lúc đó tui đã không thiết sống nữa”.
KHI NIỀM VUI TRỞ LẠI
Mới hơn 4 giờ rưỡi sáng mà bà Bùi Thị Đào ở phường 1 (TP Tuy Hoà) đã thức dậy. Đêm qua bà không sao chợp mắt khi nghĩ đến niềm vui sắp được nhận xe lăn từ một tổ chức nhân đạo nước ngoài. Khi nghe anh Hiền, cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường 1, nhắc sáng mai có mặt đúng giờ để nhận xe, bà mừng ứa nước mắt. Cuộc sống khốn khó vây bọc mẹ con bà, nhất là từ ngày bà ngã bệnh nằm liệt giường. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải dựa vào vợ chồng con trai Nguyễn Bùi Dũng. Ngồi vào chiếc xe lăn mới được trao tặng, bà Đào nghẹn ngào: “Tui không nghĩ là có ngày mình được người ta cho không một chiếc xe như thế này. Từ trước tới giờ mẹ con tui quá khổ nên không bao giờ nghĩ là có thể mua được xe lăn. Tui không biết nói sao để cảm ơn mọi người”. Còn ông Ảnh thì bảo: “ Có xe lăn, tôi sẽ đi lại dễ dàng hơn. Sau này còn có thể đi bán vé số để kiếm sống nữa”. Ông Nguyễn Ngọc Hưng và chị Trần Thanh Trúc cũng không giấu được niềm vui lấp lánh trong đôi mắt khi được nhận xe lăn. Họ đều cho rằng, chỉ có trong một xã hội biết quan tâm đến con người, thì những cuộc đời bất hạnh như họ mới có thêm điều kiện để hoà nhập cuộc sống, mới có thể làm được điều gì đó dù là nhỏ nhoi nhưng có ích cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
Những người khuyết tật nhận xe lăn do tổ chức Xe lăn thế giới và tổ chức Children of VN trao tặng - Ảnh: NGỌC DUNG
Ông Nguyễn Khoa Huân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phú Yên, cho biết: 545 người tàn tật ở 9 huyện, TP có hoàn cảnh hết sức khó khăn được nhận xe lăn do tổ chức Xe lăn thế giới và Tổ chức Children of Viet Nam trao tặng trong hai năm 2005 và 2006. Những năm qua, mặc dù Hội Chữ thập đỏ Phú Yên đã tích cực vận động các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước giúp đỡ cho người tàn tật của Phú Yên, nhưng cũng chỉ giải quyết một phần khó khăn trước mắt cho bà con như cấp xe lăn, lắp chân giả… Trong thực tế, cuộc sống của họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, rất cần sự cảm thông, tiếp sức, hỗ trợ từ cộng đồng. Vì thế, trong thời gian tới, Hội rất mong các cấp lãnh đạo, các ban ngành, các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho họ thoát khỏi sự nghiệt ngã của số phận, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn…
THUỶ VĂN