Thứ Tư, 09/10/2024 11:29 SA
Để phụ nữ làm mẹ an toàn
Thứ Tư, 11/07/2012 11:00 SA

Mỗi ngày trên thế giới có hơn 1.000 phụ nữ chết vì các nguyên nhân liên quan đến mang thai. 99% những cái chết này xảy ra ở các nước đang phát triển, do băng huyết, phá thai không an toàn, cao huyết áp, đẻ khó hoặc nhiễm trùng. “Không ai đáng bị chết khi họ tạo ra cuộc sống!”- đó là thông điệp mà Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) kêu gọi phổ cập dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) phụ nữ.

 

mo-dinh-san120711.jpg

Bác sĩ của tổ chức phi chính phủ Mariestopes hoạt động trong lĩnh vực CSSKSS/KHHGĐ tại Việt Nam tổ chức khám và mổ đình sản, cho người dân tộc thiểu số xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, đồng thời chuyển giao công nghệ phẫu thuật đình sản gây tê vùng bụng cho bác sĩ địa phương - Ảnh: T.DIỆU

Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) năm 2008, tại Uganda đã kêu gọi tiếp cận phổ cập các dịch vụ CSSKSS. Trong đó các vấn đề được quan tâm là: KHHGĐ tự nguyện, hỗ trợ sinh nở và dự phòng nhiễm khuẩn qua đường tình dục, bao gồm HIV/AIDS. Năm 2012 được ngành Dân số chọn là năm tăng cường các cam kết hướng tới tiếp cận phổ cập các dịch vụ CSSKSS.

 

Theo UNFPA, trên thế giới có khoảng 215 triệu phụ nữ muốn chậm mang thai hoặc ngừng mang thai. Một trong sáu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị thiếu các phương tiện tránh thai hiện đại hiệu quả. Ở các nước đang phát triển, tình trạng tử vong mẹ đặc biệt cao ở phụ nữ trẻ và nghèo, những người ít tiếp cận với các dịch vụ tránh thai.

 

Theo WHO thì hàng năm, có từ 10-15 triệu phụ nữ phải gánh chịu các căn bệnh do biến chứng trong quá trình thai nghén và sinh nở gây ra như vô sinh, trầm cảm... 15% phụ nữ có thai trải qua một lần biến chứng có nguy cơ gây tử vong trong khi sinh nở. Một nửa số ca tử vong mẹ xảy ra trong vòng 24 giờ. Gần một nửa số phụ nữ ở các nước đang phát triển sinh con mà không có sự trợ giúp của y tá, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ. Ước tính có 19 triệu ca nạo phá thai không an toàn diễn ra hàng năm ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, có khoảng 47.000 phụ nữ tử vong do nạo phá thai không an toàn và hàng triệu người khác phải gánh chịu các biến chứng. Nhưng nếu mỗi phụ nữ tiếp cận được các dịch vụ KHHGĐ và họ chỉ mang thai khi nào họ muốn thì tỉ lệ chết mẹ có thể giảm được 30% có nghĩa là hơn 100.000 bà mẹ và trẻ em gái được cứu sống hàng năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc mang thai ở nhiều trẻ vị thành niên là ngoài ý muốn, nên tỉ lệ nạo phá thai cao. Năm 2008, ước tính có 3 triệu ca phá thai không an toàn ở các bé gái độ tuổi từ 15-19 tại các nước đang phát triển. Họ phải đối mặt với tỉ lệ mắc bệnh và tử vong cao do nạo phá thai không an toàn vì chưa có các phương tiện tránh thai hiện đại. HIV/AIDS và biến chứng trong khi mang thai và sinh nở vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Có thể phòng ngừa được nhiều trường hợp tử vong nếu những phụ nữ đó được tiếp cận tới các phương tiện tránh thai hiện đại và được chăm sóc sức khỏe bà mẹ.

 

Theo các chuyên gia ngành Dân số, Việt Nam được xem là quốc gia có dịch vụ CSSKSS nổi trội trong các nước đang phát triển, nhưng không đồng đều. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược Dân số - SKSS; mỗi năm tổ chức 2 đợt chiến dịch CSSKSS-KHHGĐ với các gói dịch vụ: làm mẹ an toàn, KHHGĐ, ngăn ngừa viêm nhiễm đường sinh sản. Dịch vụ được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, ngành Dân số Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề được coi là thách thức như: tỉ lệ trẻ sinh ra không đồng đều qua các năm khác nhau, đặc biệt trong những năm được xem là năm tốt theo quan niệm của người dân, số trẻ sinh ra tăng vọt. Mất cân bằng giới tính khi sinh được xem là vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa càng khó tiếp cận các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ. Những vấn đề tồn tại là do ngành Y tế thiếu kinh phí và nhân lực phục vụ công tác dân số.

 

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên, nói: “Để giải quyết bài toán dân số đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay, cần phải có sự nỗ lực chung tay của cả xã hội. Trước tiên, ngành Y tế phải đổi mới cách thức đào tạo nhằm tạo ra một đội ngũ có năng lực quản lý và năng lực chuyên môn phục vụ ngành Dân số. Hệ thống ngành Dân số cần tăng cường biên chế. Nhà nước cần tìm nguồn kinh phí cung cấp cho dịch vụ, thuốc, trang thiết bị cho ngành. Việt Nam có tỉ lệ phụ nữ bị bệnh phụ khoa rất cao nên cần phải thực hiện chuẩn ISO cho các cơ sở y tế, đặc biệt là ở cơ sở”.

 

Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: “CSSKSS là quyền về sức khỏe của phụ nữ, nam giới, thanh niên và của toàn thể cộng đồng, mỗi quốc gia. Đầu tư cho SKSS của phụ nữ không chỉ là điều đúng đắn cần phải làm mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước”.

  

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek