Dân số Phú Yên đang bước vào thời kỳ già hóa, hiện có hơn 81.000 người cao tuổi, chiếm gần 10% dân số. UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng do Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên thực hiện. Báo Phú Yên phỏng vấn bà Đỗ Thị Như Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên về việc thực hiện đề án trên.
Bà Đỗ Thị Như Mai đại diện Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lộ (xã An Mỹ, huyện Tuy An) - Ảnh: L.BI
* Bà cho biết mục tiêu của đề án Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng là gì?
- Mục tiêu của đề án là cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi, nhằm góp phần phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Chúng tôi sẽ giúp người cao tuổi thấy được, việc chăm sóc sức khỏe không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà chính bản thân người cao tuổi và cả cộng đồng sẽ vào cuộc. Chúng tôi thực hiện thí điểm mô hình này ở các câu lạc bộ (CLB) người cao tuổi cấp xã. Dự kiến, mỗi huyện sẽ triển khai ở 2 xã, mỗi xã 1 CLB. Trong năm 2012, 18 CLB thí điểm sẽ đi vào hoạt động và dần phát triển và nhân rộng đến năm 2015 sẽ phủ khắp trên toàn tỉnh.
* CLB là hình thức sinh hoạt chủ yếu. Vậy việc thực hiện đề án sẽ đem lại sự thay đổi nào khác hơn so với CLB người cao tuổi ngoài đề án?
- Mặc dù CLB người cao tuổi đã có trước đây, nhưng thực ra họ không có đủ kinh phí để hoạt động tích cực và hiệu quả. Chi cục DS-KHHGĐ có nguồn kinh phí từ dự án Nâng cao chất lượng giống nòi để thực hiện và phát triển CLB bền vững và có chất lượng. Trong cuộc điều tra về nhu cầu người cao tuổi mới đây của Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh, cho thấy có nhiều người già cảm thấy rất cô đơn vì cho rằng bản thân không có ích, không hài lòng với cuộc sống, nên việc giúp người cao tuổi cảm thấy sống vui, khỏe, có ích là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của đề án này.
* Cụ thể là ngành Dân số sẽ làm gì, thưa bà?
- Ở tỉnh, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tập huấn kỹ năng tư vấn và chăm sóc người cao tuổi cho mạng lưới tình nguyện viên (những người nhiệt tình và có chuyên môn về y tế) tại 18 xã triển khai đề án. Mỗi xã có 2 tình nguyện viên thường xuyên đến gia đình người cao tuổi quan tâm, động viên, tư vấn, chăm sóc họ. Trong các buổi sinh hoạt sẽ mời các bác sĩ chuyên khoa lão cung cấp kiến thức, luyện tập kỹ năng và chăm sóc về sức khỏe cho người cao tuổi.
Các trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện sẽ tổ chức hỗ trợ các CLB dụng cụ thể dục thể thao như: vợt cầu lông, bóng bàn. Các trạm y tế xã sẽ được cung cấp máy massage xương, khớp, đèn chiếu hồng ngoại… Ban DS-KHHGĐ các xã sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí lồng ghép các nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, Ban DS-KHHGĐ xã cũng tổ chức hội nghị biểu dương và khuyến khích các gương điển hình tiêu biểu người cao tuổi trong tuyên truyền vận động các chính sách DS-KHHGĐ, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
* Theo bà, chăm sóc sức khỏe sinh sản người cao tuổi có phải là nội dung mới trong đề án?
- Tôi cho rằng, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản người cao tuổi không phải là chuyện bây giờ mới nói. Đây là kiến thức quan trọng nhưng có rất nhiều người cao tuổi ngại nói đến nó. Trong các buổi sinh hoạt CLB, các bác sĩ sẽ có những chuyên đề nói về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người cao tuổi. Có nhiều phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên đã không quan tâm đến các nhu cầu tình cảm của bản thân nên thường rơi vào trạng thái lo lắng, mệt mỏi, không ham thích. Còn đối với nam giới cũng có rất nhiều những kiến thức họ cần được biết trong vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đây là một nội dung quan trọng giúp gia tăng hạnh phúc, tăng cường sức khỏe ở những cặp vợ chồng cao tuổi.
Chất lượng dân số được tính từ khi còn nằm trong trứng nước cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Cho nên, tôi tin rằng, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tổng thể về thể chất và tinh thần là một nội dung quan trọng trong dự án Nâng cao chất lượng dân số.
* Có còn vấn đề nào vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án, thưa bà?
- Chúng tôi đã thực hiện điều tra nhu cầu người cao tuổi, làm việc với các chuyên gia ngành Y tế và ngành Dân số Phú Yên đã sẵn sàng để đề án được đi vào thực hiện nhanh nhất có thể. Xong cho đến nay, kinh phí để thực hiện đề án vẫn chưa được phân bổ về Chi cục DS-KHHGĐ. Đây là vướng mắc duy nhất còn lại lúc này. Tôi hy vọng sẽ sớm được cấp kinh phí để đề án đi vào hoạt động.
* Xin cảm ơn bà!
DIỆU ANH