So với cả nước, Phú Yên không phải là “điểm nóng” về tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, việc nâng cao nhận thức cho người dân về tình trạng này luôn được các cấp Hội LHPN trong tỉnh quan tâm và tích cực đẩy mạnh…
Hội LHPN tỉnh truyền thông phòng chống tội phạm mua bán người cho phụ nữ cơ sở - Ảnh: N.DUNG
Những năm gần đây, nạn mua bán người ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em sống ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp, hiểu biết hạn chế…, bọn tội phạm lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo lừa bán không ít phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài để trục lợi. Đây là vấn đề hết sức nhức nhối của xã hội, bởi nó không chỉ tác động xấu đến lối sống, đạo đức, thuần phong mỹ tục, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn Phú Yên ít phức tạp, số vụ, số đối tượng phát hiện, điều tra, xử lý không nhiều. Tuy nhiên, với chức năng của mình, trong những năm gần đây, các cấp Hội LHPN luôn tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, kiến thức kỹ năng về phòng chống mua bán người đến các tầng lớp phụ nữ. Nỗ lực này của các cấp Hội LHPN nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, hành động trong cán bộ, hội viên, phụ nữ về vấn nạn này; giúp chị em chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế, không để tội phạm này phát sinh trên địa bàn.
Với phương châm phòng ngừa là chính, các cấp hội phụ nữ ở Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, các CLB tư vấn hỗ trợ pháp luật cho phụ nữ… tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm; đồng thời, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ hội, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở về chất lượng, hiệu quả các mô hình hoạt động phòng chống mua bán người. Luật Phòng chống mua bán người được phổ biến, tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt của chi hội, CLB tại cơ sở. Thông qua đó tuyên truyền, giáo dục vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình không mắc tệ nạn xã hội. Các cấp hội phối hợp với các ngành chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp trong việc kết hôn với người nước ngoài và qua con đường xuất khẩu lao động bất hợp pháp; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ nghèo, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa…
Từ đầu năm đến nay, thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, các hoạt động tuyên truyền của Hội, các buổi tọa đàm, sinh hoạt chi hội, CLB, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền về nội dung phòng chống tội phạm buôn bán người cho trên 4.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ ở cơ sở. Nội dung truyền thông chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: Vai trò của gia đình trong công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, những biện pháp phòng ngừa, cách nhận biết thủ đoạn tinh vi của bọn buôn bán người...; vận động người dân và cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga chia sẻ: Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ ở cơ sở, Hội LHPN tỉnh cũng chú trọng đến công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ hội nòng cốt ở cơ sở (tuyên truyền viên pháp luật, thành viên các CLB tư vấn hỗ trợ pháp luật cho phụ nữ cơ sở) về kiến thức pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn, hòa giải ở cơ sở… Ngoài ra, tổ chức hội còn tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bền vững bằng nhiều biện pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, trong đó chú trọng việc hỗ trợ vốn vay kết hợp với dạy nghề, hướng dẫn phương thức làm ăn. Đặc biệt, các cấp hội luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương”; phối hợp triển khai có hiệu quả đề án “Dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn”, trong đó quan tâm đặc biệt đến việc dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật.
Mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều, nhưng vẫn còn không ít phụ nữ, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, miền núi chưa thực sự quan tâm đến vấn nạn này. Chị Nguyễn Thị Thúy Nga ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) thổ lộ: “Chúng tôi quanh năm lo làm ăn, ít để ý đến chuyện này. Bây giờ, nghe cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tôi thấy sợ quá chừng. Nếu mình không nâng cao cảnh giác loại tội phạm này thì hậu quả vô cùng nguy hại cho cuộc sống, tính mạng của con người. Từ nay, tôi sẽ chú ý bảo vệ các con mình an toàn hơn”.
THỦY VĂN