Thời gian gần đây, nhiều hộ nghèo ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) vui mừng vì những con bò được nhà nước hỗ trợ từ năm 2011 đến nay đã cho ra đời những chú bê con.
Các hộ nghèo ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) được hỗ trợ bò để chăn nuôi - Ảnh: K.CHI
Năm 2011, UBND huyện Đồng Xuân thí điểm hỗ trợ bò giống cho những hộ đồng bào dân tộc nghèo ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2. Đây là thôn có 100% hộ đồng bào dân tộc Chăm H’roi sinh sống và tỉ lệ hộ nghèo hơn 60%. Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó phòng LĐ-TB-XH huyện, cho biết: “Năm 2011, thực hiện công tác giảm nghèo, chúng tôi triển khai mô hình hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo. Với lợi thế là có đồng ruộng, bà con lại chăm chỉ làm ăn nên thôn Kỳ Đu có 12 hộ được hỗ trợ; mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò trị giá khoảng 12 triệu đồng. Hộ được nhận bò có trách nhiệm làm chuồng trại và chăm sóc. Đồng thời, các hộ được nhận bò ký cam kết không giết mổ, không thả rông và phải tiêm phòng dịch bệnh. Vì vậy, trong quá trình nuôi, đa số các hộ nhận nuôi bò đều tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn, chăm sóc chu đáo, phòng chống dịch bệnh kịp thời”.
Hơn 1 năm chăn nuôi, số bò được hỗ trợ tại thôn Kỳ Đu nay đã tăng trưởng nhanh, bà con ai cũng mừng. Ông La Mo Thuận, hơn 70 tuổi không có nhiều đất để sản xuất, những chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày đều dựa vào vài sào mía mà ông là lao động chính. Ông nói: “Tôi có 5 người con nhưng chúng lập gia đình, ra riêng hết rồi, trong nhà chỉ còn hai vợ chồng già. Bà ấy thì quanh năm đau bệnh, tay lại bị gãy nên không làm gì được, mình tôi cố gắng làm vài sào mía cũng không đủ ăn, cứ nghèo hoài. Năm ngoái, Nhà nước hỗ trợ cho con bò, rồi tôi lùa lên rẫy thả, vậy mà nó cũng gần đẻ rồi. Đợt này, nó đẻ ra con bê, tôi nuôi thêm một thời gian nữa rồi bán”. Không chỉ có con bò Nhà nước hỗ trợ, ông Thuận còn được vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội được 5 triệu đồng. Nhờ đó, ông mua thêm một con bò, nay đã đẻ 1 con bê, ông vui mừng vì đó là cơ hội thoát nghèo của ông.
Nhận được bò giống hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông La Mo Đệ phấn khởi làm chuồng và bỏ công chăm sóc. Ông Đệ bộc bạch: “Hôm nhận bò về nó ốm lắm, nhờ chăm sóc chu đáo nay nó mập ra”. Điều may mắn là chỉ sau 8 tháng nhận nuôi, bò mẹ đã đẻ 1 con bê đực, giờ được hơn 1 tháng tuổi. Ông Đệ nhẩm tính: “Bò mẹ lúc đầu trị giá gần 10 triệu đồng. Sau 8 tháng nuôi, con bò này bán được hơn 20 triệu đồng, cộng với bê con vài triệu đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, con bò cái đã sinh lợi gần 10 triệu đồng. Còn ông La Lan Thanh, 65 tuổi đã nhiều năm mơ ước có được một khoản vốn để phát triển kinh tế gia đình, nhưng sau những lần điều trị bệnh, gia đình ông lại càng khó khăn hơn. Năm 2011, ông được hỗ trợ nuôi 1 con bò sinh sản để phát triển kinh tế. Ngày nhận bò, ông và các con trong gia đình rất vui. Đại diện chính quyền, hàng xóm, người thân đến động viên, chúc mừng gia đình. Dẫu chưa có bê con để bán, nhưng tài sản lớn nhất của gia đình ông Thanh hiện có là con bò mẹ đang rất mạnh khỏe và hứa hẹn những lứa bê con sau sẽ là “của để dành” khiến mọi người trong gia đình ông cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Anh La Mo Quạnh, Phó thôn Kỳ Đu, cho biết: “Từ khi các hộ nghèo ở đây nhận được bò, họ đã cố gắng chăm sóc nên bò phát triển rất tốt. Đây là một dự án hiệu quả đối với những hộ nghèo ở vùng miền núi. Điều kiện khí hậu và nguồn cỏ tự nhiên khá dồi dào ở đây thích hợp việc nuôi bò. Trong tổng số 12 con bò cái giao cho hộ nghèo nuôi đã có 5 con đẻ và 7 con bò khác được phối giống. Đó chính là hiệu quả ban đầu của dự án mang lại cho hộ nghèo ở thôn Kỳ Đu. Chúng tôi sẽ cố gắng động viên bà con chăm sóc đàn bò thật tốt để chúng nhân giống thành đàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo có phương tiện sản xuất và mở ra một hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững cho bà con nơi đây”.
KIM CHI